Bộ trưởng Thăng báo cáo đầu tư dự án sân bay 7,8 tỉ USD

Vinh Hải Thứ tư, ngày 08/10/2014 07:38 AM (GMT+7)
Hôm nay (8.10), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. 
Bình luận 0
Tân Sơn Nhất đã quá tải

Tờ trình số 360/TTr-CP được Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT trình bày nêu rõ đây là dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội. Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư. Trong kỳ họp Quốc hội tới đây, Báo cáo đầu tư dự án sẽ được trình trước Quốc hội để xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án.
    

Theo Bộ GTVT, tương lai cần hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ Chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam.

Cũng theo ông Đinh La Thăng, xu thế phát triển chung của ngành hàng không, hiện nay, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã quy hoạch và đưa vào khai thác các cảng hàng không quốc tế lớn như Cảng hàng không quốc tế Suvarnabhumi-Thái Lan (100 triệu hành khách/năm), Kuala Lumpur-Malaysia (100 triệu hành khách/năm), Changi-Singapore (135 triệu hành khách/năm) đóng vai trò trung chuyển trong khu vực, nhằm thu hút các hãng hàng không và hành khách để tạo đà phát triển kinh tế cho quốc gia.

img
Chính phủ đồng ý xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ là điểm kéo dài đường bay từ các trung tâm trung chuyển hàng không này, do yếu tố cơ sở hạ tầng hàng không còn là một trong những điểm yếu. Dự báo đến năm 2030 lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không của Việt Nam sẽ đạt 175 triệu khách/năm. Trong đó vùng trọng điểm kinh tế phía nam với cửa ngõ là khu vực TPHCM chiếm 1/3 tổng lượng khách. Do đó, cần thiết phải sớm hình thành một cảng hàng không quốc tế của Việt Nam, đóng vai trò trung tâm trung chuyển hàng không trong khu vực.

Hiện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã rơi vào tình trạng quá tải. Việc mở rộng sân bay này để đạt công suất 40 – 50 triệu hành khách vào giai đoạn 2025 – 2030 được Bộ GTVT đánh giá là không khả thi.

Bởi tiếp tục nâng cao công suất sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm TPHCM, đồng thời chi phí để nâng công suất khai thác thêm cần tới 9,1 tỉ USD, phải giải phóng khoảng 140 nghìn hộ dân. Cùng với đó, phương án cải tạo sân bay Biên Hòa cũng lên tới 7,5 tỉ USD, chưa kể chi phí xây dựng mới một sân bay quân sự khác nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng.

Việc sử dụng các cảng hàng không khác như Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (cách TPHCM 175km) và Cảng hàng không quốc tế Liên Khương (cách TPHCM 290km) để hỗ trợ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng không khả thi do các Cảnh hàng không này  phục vụ thị trường riêng biệt.

Long Thành nhiều lợi thế
    
Bộ GTVT cho biết việc lựa chọn vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được các cơ quan chuyên môn của ngành Hàng không dân dụng nghiên cứu kỹ lưỡng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005. Đảm bảo đủ diện tích quy hoạch (5.000 ha) để xây dựng một cảng hàng không quốc tế mới, hiện đại có công suất 100 triệu hành khách/năm, sân bay cấp 4F, cấu hình 04 đường cất hạ cánh; đảm bảo có khu vực dùng riêng cho một căn cứ quân sự lớn trong tương lai (1.000 ha). Đồng thời, khu vực lựa chọn xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có địa hình, địa chất, thủy văn không quá phức tạp, mặt bằng tương đối bằng phẳng, gần các nguồn cấp vật liệu lớn, rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng hàng không.

Các quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam hoàn toàn phù hợp đối với nhu cầu giao thông tiếp cận và kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh (03 đường cao tốc: Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; Bến Lức-Long Thành; Biên Hoà-Vũng Tàu; đường sắt Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây…).

Theo quy hoạch được duyệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đến năm 2025 sẽ hình thành Cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; giai đoạn 2 đến năm 2030 nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm và giai đoạn 3 sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 sẽ đầu tư Nhà ga hành khách, hai đường cất hạ cánh với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỉ đồng (7,8 tỉ USD).

Tính toán sơ bộ của Bộ GTVT cho hay, vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 85.000 tỉ đồng và nguồn vốn huy động ngoài ngân sách (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư) khoảng 80.000 tỉ đồng. Dự kiến, Báo cáo Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (Đồng Nai) sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội khai mạc vào ngày 20.10 tới đây.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem