Sáng 21.10, trao đổi với báo giới bên lề phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có những chia sẻ về dự án sân bay Long Thành – dự án đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Thưa Bộ trưởng, nhiều ý kiến cho rằng đầu tư vào sân bay Long Thành sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn?
Quan điểm
Ông Đinh La Thăng •
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Cần nói rõ thế nào là không hiệu quả, nếu không hiệu quả thì tôi không đầu tư sân bay mà đầu tư bất động sản. Có thể nói hệ thống sân bay của ta có đặc thù là vừa phục vụ dân dụng vừa phục vụ mục tiêu quốc phòng an ninh. Từ khi đất nước giải phóng đến nay thì chúng ta mới đầu tư duy nhất là sân bay Phú Quốc. Cho nên các ý kiến cho rằng nhiều sân bay, đầu tư dàn trải theo tôi không chính xác...
- Cần nói rõ thế nào là không hiệu quả, nếu không hiệu quả thì tôi không đầu tư sân bay mà đầu tư bất động sản. Có thể nói hệ thống sân bay của ta có đặc thù là vừa phục vụ dân dụng vừa phục vụ mục tiêu quốc phòng an ninh. Từ khi đất nước giải phóng đến nay thì chúng ta mới đầu tư duy nhất là sân bay Phú Quốc. Cho nên các ý kiến cho rằng nhiều sân bay, đầu tư dàn trải theo tôi không chính xác.
Nói chuyện đầu tư sân bay có hiệu quả hay không, tôi xin thông báo là tổng đầu tư cảng hàng năm vẫn hoạt động tốt, có lãi. Còn tất nhiên có vấn đề nọ kia, cần chấn chỉnh để nâng cao hiệu quả. Nhưng theo tôi việc đầu tư là cần thiết. Một đất nước phát triển, hội nhập thì không thể không có hàng không được.
Hiện nay dự án này có rất nhiều tranh luận, hầu hết không phủ nhận tầm quan trọng của dự án này. Nhưng vấn đề là tại thời điểm này khi kinh tế đang khó khăn, nợ công cũng đang tăng thì việc đưa ra siêu dự án sẽ càng thêm khó cho ngân sách?
- Tôi thừa nhận việc đưa dự án sân bay Long Thành ra trình Quốc hội vào thời điểm này rõ ràng là không có lợi, bởi chúng ta đang lo lắng tình hình nợ công, dù như Chính phủ đã báo cáo là vẫn trong tầm kiểm soát. Chính vậy, dự án sân bay Long Thành khi đưa ra đã phải tính toán trong bối cảnh chung của cả nền kinh tế, đứng trong sự phát triển chung của đất nước, mà trước tiên phải đảm bảo các tiêu chí về nợ công cũng như khả năng trả nợ mà Quốc hội đã đề ra. Lần này, Chính phủ trình dự án sân bay Long Thành ra Quốc hội cũng chưa phải để Quộc hội phê duyệt ngay mà mới xin chủ trương. Còn từ xin chủ trương đến lập báo cáo khả thi, đến lúc triển khai cũng phải cả quãng thời gian dài nữa.
Vấn đề giờ mọi người quan tâm là tiền đâu thì cái này trong báo cáo cũng đã nêu rồi: Báo cáo tiền khả thi cũng chỉ có con số mang tính khái toán mà thôi. Còn để đảm bảo chính xác, đầy đủ thì cái đó lại nằm trong giai đoạn báo cáo khả thi, nghĩa là phải sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, rồi sẽ phải làm khảo sát, thiết kế… Còn giờ, Quốc hội chưa đồng ý chủ trương thì cũng chưa thể làm báo cáo khả thi được.
Trong báo cáo khái toán có nói số tiền khoảng 7,8 tỷ USD chia làm 2 giai đoạn 1A và 1B, giai đoạn 1A khoảng hơn 5 tỷ USD. Số tiền này được huy động bằng các nguồn ngân sách (chủ yếu là giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đối với trụ sở các cơ quan. Số còn lại sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, doanh nghiệp bỏ tiền vào đầu tư cũng như vay lại vốn ODA của Chính phủ. Chính phủ vay vốn ODA và cho doanh nghiệp vay lại, sau đó doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý đầu tư và trả nợ. Thực tế sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài cũng làm theo hình thức này.
Cho nên nói vốn cho dự án sân bay Long Thành lớn thì lớn thật nhưng phần của Nhà nước chỉ là giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư… Còn lại toàn bộ do doanh nghiệp chịu trách nhiệm hết.
Nhiều người đặt vấn đề sau năm 2020 mới nên xây dự án sân bay Long Thành, ông nghĩ sao?
- Trên thực tế, đúng là phải tới 2025 mới cần có sân bay này, nhưng để lúc 2025 có sân bay hoạt động thì phải chuẩn bị từ giờ. Quốc hội lần này thông qua về chủ trương, sau đó chúng tôi sẽ làm báo cáo khả thi. Rồi kỳ sau phải tiếp tục trình Quốc hội nữa, lúc đó Quốc hội mới quyết định có làm hay không.
Việc thực hiện dự án này có ảnh hưởng gì tới kế hoạch dự án đường sắt như Bắc Nam không, thưa ông?
- Để đầu tư 1 dự án cụ thể nào trong ngành giao thông thì phải đặt trong tổng thể tái cơ cấu của ngành giao thông, phải đặt trong tái cơ cấu kinh tế. Khi tính toán một dự án cũng phải tính toán đầu tư hàng không gắn với đường bộ, đường sắt, đường thủy. Ngược lại đầu tư đường sắt cũng phải gắn với đầu tư vận tải khác thống nhất 1 tổng thể. Cho nên của mình yếu nhất hiện nay là sự kết nối giữa các phương thức giao thông.
Được biết vừa rồi Bộ GTVT theo chỉ đạo của Chính phủ đã xin ý kiến Bộ Chính trị về dự án này. Vậy Bộ chính trị đã có ý kiến chưa, thưa Bộ trưởng?
- Trong Nghị quyết Trung ương đã nêu rõ về dự án này là sử dụng nguồn vốn ODA và huy động các nguồn lực theo hình thức đối tác công tư. Hiện nay chúng tôi đã báo cáo với Bộ Chính trị. Nhưng vẫn phải chờ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương tại kỳ họp này, sau đó Chính phủ sẽ tiếp thu và báo cáo lại với Bộ Chính trị lần nữa. Cuối cùng, Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến cụ thể để chốt, lúc đó mới có thể triển khai.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.