Bộ GTVT họp báo về việc...cần xây ngay sân bay Long Thành

Hữu Ký Thứ năm, ngày 16/10/2014 17:03 PM (GMT+7)
Ngày 16.10, Bộ GTVT tổ chức họp báo về việc đầu tư xây cảng hàng không (CHK) Quốc tế Long Thành. Nhiều ý kiến tại cuộc họp báo cho rằng việc xây dựng CHK Long Thành không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, trong vùng mà đặc biệt còn góp phần giải tỏa tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất đang ngày càng quá tải.
Bình luận 0

Giờ làm cũng đã…muộn (!?)

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết trong 15 năm qua (1999-2013), sản lượng hành khách thông qua CHK Quốc tế Tân Sơn Nhất đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,8% về hành khách và 12,9% về hàng hóa. Hiện sân bay đã quá tải vào nhiều thời điểm, trong đó nhà ga hành khách hiện hữu đã khai thác hết công suất thiết kế, dự kiến đến năm 2017 thì không thể đáp ứng được nhu cầu nữa. Do đó việc phải nhanh chóng đầu tư mở rộng hoặc xây mới một CHK Long Thành là cần thiết.  

img
Buổi họp báo sáng 16.10

Còn ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Dân dụng Việt Nam cho biết sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ quá tải ở mặt đất mà còn tắc nghẽn ở trên vùng trời. Trong khi đó, Giáo sư Lã Ngọc Khuê, chuyên gia về giao thông cho rằng việc xây dựng CHK Long Thành cần được xem là bình thường, phù hợp với nhu cầu phát triển. Thậm chí theo ông hiện nay rất cấp bách, đặt vấn đề xây CHK Long Thành giờ đã là chậm. Các nước xung quanh đã đi trước nước ta một bước khi bỏ sân bay cũ và làm sân bay trung chuyển mới…Do đó CHK Long Thành xứng đáng trở thành dự án ưu tiên ít nhất trong 3 thập kỷ sắp tới.

Huy động nhiều nguồn vốn!

Về nguồn vốn thực hiện dự án, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV ACV (đơn vị xây dựng dự án này - PV) cho biết đây là dự án tiền khả thi trình Quốc Hội xin chủ trương. Theo tính toán của ACV tổng vốn đầu tư xây dựng trong giai đoạn tiền khả thi này là 7, 8 tỷ USD.

Cơ cấu nguồn vốn được thực hiện như sau: vốn ODA (chiếm khoảng 29%) sử dụng cho các hạng mục thu hồi vốn lâu; vốn ngân sách nhà nước khoảng 14,6% để thực hiện GPMB và xây dựng công trình của các cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, biên phòng, kiểm dịch, cơ quan QLNN chuyên ngành hàng không cũng như  đường kết nối vào sân bay. Còn lại là vốn xã hội hóa (chiếm khoảng 56%), đầu tư vào công trình ga hàng không, hàng hoá, suất ăn, nhà sửa chữa…) sẽ được phân bổ vào các nhà đầu tư. Hình thức thực hiện bằng cách chủ đầu tư tự vay tự trả.

“Đây chỉ là giai đoạn tiền khả thi của dự án, còn số vốn cụ thể thì khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ chỉ đạo, sau đó chúng tôi mới làm việc với các bên liên quan để ra quy mô tổng mức đầu tư rồi mới ra phương thức huy động vốn cũng như trả nợ”, ông Hùng nói.  

 Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng khi được Quốc hội thông qua, Bộ sẽ đặt ra vấn đề cụ thể về nguồn vốn, kinh phí cụ thể thực hiện dự án cũng sẽ được đưa ra chi tiết ở giai đoạn thực hiện dự án khả thi. Ông cũng cho biết khi triển khai dự án có ảnh hưởng đến vấn đề nợ công nhưng mức ảnh hưởng không đáng kể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem