Bỏ việc “nghìn đô” về quê nuôi gà Mía thả đồi, 8X Hòa Bình thu hàng trăm triệu/năm
Bỏ việc “nghìn đô” về quê nuôi gà Mía thả đồi, 8X Hòa Bình thu hàng trăm triệu/năm
Phạm Hoài - Tuệ Linh
Thứ bảy, ngày 10/02/2024 12:48 PM (GMT+7)
Từ bỏ công việc "nghìn đô" tại Hàn Quốc- “xứ sở kim chi” để về quê lập nghiệp, chàng trai 8X dân tộc Mường ở Hòa Bình “đút túi” hàng trăm triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi gà Mía thả đồi.
Người chúng tôi nhắc đến đó là anh Bùi Văn Luân, sinh năm 1985, trú tại xóm Láu Ráy, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo Láu Ráy, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Luân đi làm thuê để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Sau một thời gian dài bươn trải, làm thuê đủ thứ nghề ở các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, anh Luân cảm thấy thu nhập bấp bênh, cuộc sống mãi không khấm khá lên được.
Để có thu nhập cao hơn, năm 2010, anh Luân quyết định đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, khi đó mức lương anh nhận được hơn 20 triệu đồng/tháng.
Sau vài năm làm việc tại "xứ sở kim chi", nhiều lần anh Luân trăn trở tại sao mình không thể làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương, nơi có nhiều điện kiện phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả?
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, bàn bạc với gia đình, năm 2014, anh Luân đã từ bỏ công việc "nghìn đô" ở Hàn Quốc, để trở về quê hương lập nghiệp và bắt đầu từ việc nuôi lợn rừng.
Tuy nhiên, do ban đầu chưa có kinh nghiệm, đàn lợn rừng của anh Luân thường xuyên bị bệnh. Hơn thế nữa, thị trường tiêu thụ không có, giá cả bấp bênh khiến anh vô cùng chán nản và có ý định từ bỏ.
Cuối năm 2016, trong lần tình cờ về Ba Vì (Hà Nội) thăm bạn bè, thấy người dân nơi đây nuôi gà Mía thả vườn kết hợp mô hình vườn, ao, chuồng rất phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Luân liền đặt mua hơn 500 con gà Mía giống về nuôi thử, đồng thời tìm hiểu, học hỏi cách chăm sóc, phòng bệnh.
Sau gần 1 năm, thấy đàn gà Mía hợp với điều kiện khí hậu tại vùng, ít bị dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon, giá bán lại cao, nên anh quyết định mở rộng quy mô chuồng trại, tăng đàn lên 3.000 con và thả ở khu đồi rộng hơn 6 ha của gia đình, kết hợp đào ao thả cá, xây chuồng trại nuôi lợn rừng.
"Tôi tận dụng khu đồi trồng bưởi và cam sau nhà để làm chuồng trại chăn nuôi gà Mía, như vậy gà sẽ có bóng mát.
Hơn nữa, gà sống dưới cây sẽ mổ cỏ luôn xung quanh gốc, phân gà thì dùng để bón cho cây ăn quả. Trung bình thu nhập từ bưởi, cam và gà Mía, năm nào gia đình tôi cũng thu về trên dưới 300 triệu đồng, chưa kể lợn rừng và ao cá", anh Luân cho hay.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc gà Mía, anh Luân bật mí, khi gà hơn 25 ngày tuổi nên cho ăn thức ăn hỗn hợp, đến 40 ngày tuổi thì chuyển sang cho ăn ngô xay, ngô hạt, rau xanh.
Làm như vậy, gà sẽ có chất lượng thịt thơm ngon. Khi đủ 5 - 6 tháng tuổi, gà đạt trọng lượng trên 2kg thì anh sẽ bắt đầu xuất bán.
Để gà ít bệnh anh Luân thường xuyên rắc vôi bột quanh chuồng. Bên cạnh đó, anh còn rải vỏ chấu phủ lên trên mặt đất để cho gà không bị đau chân, thuận tiện cho việc dọn dẹp vệ sinh. Sau đó, anh tận dụng phân gà bón cho vườn cây ăn quả của gia đình.
Theo anh Luân, hiện nay gà Mía của gia đình đều được khách hàng gần xa biết đến. Nhiều thương lái vào tận trang trại mua nhưng không đủ gà bán.
Vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, anh đã bán được 1.000 con gà Mía, với giá dao động từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/kg, gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng.
Ngoài nuôi gà Mía, anh Bùi Văn Luân, sinh năm 1985, trú tại xóm Láu Ráy, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình còn xây thêm chuồng trại để nuôi lợn rừng. Ảnh: Phạm Hoài.
Ông Bùi Hồng Đăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) cho hay, mô hình nuôi gà Mía của anh Bùi Văn Luân rất đáng để nhân rộng đến với các hội viên khác.
Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng anh Luân rất tích cực tìm tòi, đổi mới tư duy trong chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Ngoài ra, anh Luân còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thời vụ, là bà con quanh vùng với mức lương trung bình 3 - 5 triệu đồng/tháng.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền đến các hội viên, nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, qua đó, giúp họ nâng cao thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu tại địa phương", Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Sơn chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.