Bộ Xây dựng chỉ ra vướng mắc chính của hơn 50% dự án bất động sản

Thái Nguyễn Thứ tư, ngày 03/05/2023 18:01 PM (GMT+7)
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về nội dung liên quan đến tình hình thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội. Đáng chú ý, việc xác định giá thị trường là vướng mắc của hơn 50% các dự án chậm triển khai hiện nay.
Bình luận 0

Theo báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, quý I/2023, có 14 dự án hoàn thành, bằng khoảng 50% so với quý IV/2022 và bằng khoảng 63,64% so với quý I/2022.

Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện đang xây dựng 698 dự án bất động sản, bằng khoảng 57,4% so với với cùng kỳ năm trước; 17 dự án được cấp phép mới, số lượng này chỉ bằng 43,59% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung nhà ở sụt giảm, dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng chiếm số lượng lớn.

Bộ Xây dựng chỉ ra số lượng bất động sản, nhà ở trong các dự án mới đưa ra giao dịch hạn chế. Chủ yếu các sản phẩm bất động sản đưa vào giao dịch là hàng tồn kho của các dự án đã mở bán. Qua số liệu tổng hợp của các địa phương có báo cáo cho thấy nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng bất động sản tháng 2/2023 là hơn 2,63 triệu tỷ đồng, tăng 2,19% so với 31/12/2022.

Bộ Xây dựng chỉ ra vướng mắc chính của hơn 50% dự án bất động sản - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng chỉ ra việc khó xác định giá thị trường là vướng mắc chính của các dự án bất động sản (Ảnh: TN)

Báo cáo về những vướng mắc, Bộ Xây dựng cho rằng có nhiều khó khăn liên quan đến pháp luật về quy hoạch đầu tư và pháp luật về nhà ở, đô thị, xây dựng. Đặc biệt, việc xác định giá thị trường là vướng mắc của hơn 50% các dự án chậm triển khai hiện nay. Liên quan đến định giá đất theo giá thị trường, nội dung nhận được nhiều kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực đất đai, song còn nhiều ý kiến trái chiều và băn khoăn liên quan đến việc xác định giá trị đất đai.

Trước đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025, các địa phương có thời gian từ khi luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025, đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của luật. Đồng thời, việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường.

Bên cạnh đó, những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được giao. Hoặc các dự án nhà ở xã hội cho thuê để đầu tư xây dựng, nhưng chủ đầu tư muốn được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Thủ tục này kéo dài tới 1 - 2 năm, khiến không ít doanh nghiệp e ngại làm nhà ở xã hội.

Trong đó, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội với tỷ lệ 20%, dẫn đến việc hầu hết các địa phương không bố trí các quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập. Đồng thời, dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình phát triển nhà ở của các địa phương, cũng như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị... dẫn tới ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở tại các địa phương hiện nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem