Bọ xít hút máu người: Chưa nguy hiểm nhưng cần cảnh giác

Thứ năm, ngày 20/06/2013 10:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều người dân lo ngại về khả năng nhiễm bệnh từ bọ xít. Sự xuất hiện ồ ạt của loài sinh vật này tại Việt Nam (đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Huế) bắt đầu gióng lên cảnh báo.
Bình luận 0
img

Từ ngày 17-21.6, tại Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế về bọ xít hút máu. Thông tin từ hội thảo cho biết, tại Việt Nam, từ năm 2010 đến nay đã ghi nhận hàng ngàn người tại 20 tỉnh, thành đã bị hút máu. Nhiều người dân lo ngại về khả năng nhiễm bệnh từ bọ xít. Sự xuất hiện ồ ạt của loài sinh vật này tại Việt Nam (đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Huế) bắt đầu gióng lên cảnh báo.

Theo ông Trương Xuân Lam - Sở Côn trùng học thực nghiệm (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), bọ xít hút máu loài Triatoma trước đây chỉ xuất hiện ở các nước khu vực Mỹ La tinh. Theo các nghiên cứu trên thế giới, bọ xít hút máu là vật trung gian truyền ký sinh trùng Trypanosoma cruzi, gây bệnh ngủ Chaga ở châu Phi. Bệnh thường có triệu chứng sau 1-3 tháng, biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và ngủ vặt nhiều. Theo ông Lam, nghiên cứu đã tìm ra trong hệ tiêu hóa có ký sinh trùng thuộc giống Trypanosoma gây bệnh, tuy nhiên, vẫn chưa có xác định chính thức.

TS Phạm Thị Khoa - Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng học T.Ư (NIMPE) lo ngại loài bọ xít này sinh sản rất mạnh và có hiện tượng kháng thuốc trừ sâu. Nghiên cứu của TS Khoa và đồng nghiệp cho thấy, mỗi một con bọ xít có thể sinh sản được gần 330 quả trứng trong vòng 7 tháng, ở bất cứ nhiệt độ, môi trường nào. Bọ xít thường được tìm thấy ở nơi ẩm thấp, có nhiệt độ cao như gầm giường, dưới gối, gần nhà bếp, các thùng chứa gỗ dăm…

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Châu (NIMPE) và đồng nghiệp, kết quả xét nghiệm máu để tìm ký sinh trùng Trypanosoma (gây bệnh Chagas) ở 137 người (22 trẻ em và 115 người lớn) đã bị bọ xít đốt ở Việt Nam đều cho kết quả âm tính. Kết quả xét nghiệm máu trong dạ dày của hơn 300 con bọ xít khác cũng âm tính. Những người bị bọ xít đốt đa số bị sưng ngứa (99,35%) kéo dài từ 2-5 ngày. Tuy nhiên, theo TS Silvia Susana Catalá - nhà côn trùng học người Agentina, bọ xít hút máu lấy nguồn thức ăn từ động vật có xương sống. Nhưng cho đến nay vẫn rất ít thông tin về loài này. Hiện các nhà khoa học chỉ đưa ra nhận định, loài này bị hấp dẫn bởi nhiệt độ và một số mùi nhất định, đó là lý do khiến chúng xâm lược môi trường sống của con người.

TS Châu cho biết, tuy chưa có bằng chứng lây bệnh nhưng việc bọ xít hút máu xuất hiện ồ ạt, đốt người khiến cuộc sống người dân cũng bị ảnh hưởng. Người bị bọ xít đốt không nên gãi xước để tránh nhiễm trùng, sưng tấy. Nếu vết cắn sưng to, kèm theo sốt thì người dân cần đi khám để được điều trị. Vì thế, người dân nên chú ý dọn dẹp vệ sinh nơi sinh sống để tránh bọ xít làm tổ gần nơi sinh hoạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem