Số ca nhiễm virus cúm mùa gia tăng trong thời điểm cận Tết Nguyên đán.
Chiều 13.2 (28 Tết), ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, đã triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo một số bệnh viện (BV) trên địa bàn TP Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, riêng tháng 1 vừa qua, TP.Hà Nội đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc cúm, chủ yếu là cúm mùa, chưa phát hiện chủng cúm độc lực cao. Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ tháng 12.2017 đến nay đã có 830 trường hợp mắc cúm đến khám, gần 390 người phải nhập viện.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Đống Đa (TP.Hà Nội), cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, trung bình mỗi ngày tại bệnh viện có 10 bệnh nhân mắc cúm đến khám. BV bố trí riêng tầng 3 của Khoa truyền nhiễm với 15 giường điều trị bệnh nhân cúm. Các trường hợp vào viện vì có biến chứng viêm phế quản phổi, nhóm nguy cơ cao như tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính, trẻ nhỏ... Tương tự, đại diện BV Xanh Pôn cho biết từ đầu mùa đến nay, có khoảng 400 bệnh nhân cúm điều trị, hiện đang điều trị nội trú cho 70 ca, không có tử vong.
Theo đại diện một số BV, thời gian qua nhiều cơ sở y tế đồng loại kê thuốc kháng virus Tamiflu cho bệnh nhân nhiễm cúm nên dẫn đến tình trạng khan hiếm ngoài thị trường. Có bệnh nhân phải mua 500.000 đồng/viên, thậm chí là 5 triệu đồng/vỉ thuốc. Tuy nhiên, bác sĩ Hiền cho biết thuốc Tamiflu chỉ dùng trong những trường hợp cần thiết, có biến chứng, nhóm nguy cơ cao. Hiện BV đang có khoảng 300 viên thuốc điều trị cho bệnh nhân cúm có biến chứng. BV Xanh Pôn cũng cho biết số thuốc 200 viên Tamiflu của BV cũng được ưu tiên cho những bệnh nhân nặng.
Trước lo ngại thiếu thuốc Tamifu, đại diện BV Nhiệt đới Trung ương khẳng định không sợ thiếu thuốc Tamiflu. BV hiện còn hơn 6.000 viên. Kho dự trữ thuốc Tamiflu của BV có 35.000 viên, đã cho một số cơ sở y tế vay. BV Bạch Mai hiện cũng còn hơn 1.200 viên thuốc Tamiflu để dùng trong những trường hợp cần thiết.
Trấn an người dân không không nên hoang mang trước tình trạng số ca nhiễm cúm gia tăng, PGS Lương Ngọc Khuê đề nghị các BV có kế hoạch thường trực cấp cứu, đón tiếp, phân luồng, cách ly bệnh nhân, chuẩn bị đủ vật tư, giảm thấp nhất biến chứng đặc biệt tử vong; đảm bảo không lây chéo. Đồng thời, rà soát lại số thuốc Tamiflu các bệnh viện hiện còn. PGS Khuê cũng lưu ý thuốc Tamiflu được chỉ định dùng điều trị cúm cho trẻ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch... Các bác sĩ không nên chỉ định sử dụng rộng rãi Tamiflu, để tránh kháng thuốc và tránh tạo nên cơn sốt giả về loại thuốc này. Bộ Y tế cũng yêu cầu các BV giám sát chặt chẽ các bác sĩ trong việc kê đơn Tamiflu.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ký ban hành chỉ thị phòng, chống dịch bệnh
Tối 13.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký ban hành Chỉ thị số 153/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa xuân năm 2018.
Theo đó, trong những tuần đầu năm 2018, tình hình dịch cúm trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc; bùng phát dịch cúm tại Mỹ, Triều Tiên…; dịch bệnh sởi tại Ukraine, Anh, Romania, Indonesia, Philippines.
Tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm virus cúm nhập viện có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2017, đồng thời ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh sởi tại một số BV.
Cùng với thời tiết mùa xuân và sự gia tăng giao lưu đi lại trong dịp Tết, mùa lễ hội là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đặc biệt là bệnh sởi và cúm ở người lây lan và bùng phát. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành tham mưu cho UBND tỉnh, thành tăng cường các hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp về giám sát và phòng chống bệnh sởi và cúm ở người, đồng thời thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% ở quy mô xã, phường.
|
D.Thu (Người Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.