PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hoà Bình huy động mọi nguồn lực tập trung cứu chữa cho người bệnh. Sở Y tế cần chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai (Trung tâm Chống độc, Khoa Cấp cứu, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Khoa Thận nhân tạo) do Bộ Y tế điều động để tiếp tục xử trí, cứu chữa cho những người đang cấp cứu.
Người nhà các nạn nhân đang ngồi chờ thông tin từ người thân của mình. Ảnh: Xuân Tuấn
Sở Y tế cũng cần phối hợp với đoàn công tác của Bộ Y tế để trực tiếp chỉ đạo, nhận định, đánh giá tình hình và huy động bổ sung lực lượng chuyên môn, phương tiện cấp cứu; Báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành có liên quan phối hợp tổ chức thăm hỏi, an ủi, chia sẻ động viên với những gia đình có người bệnh tử vong và hỗ trợ gia đình tổ chức mai táng.
Bộ yêu cầu Sở Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn theo đúng quy định tại điều 74 Luật Khám chữa bệnh để xác định tập thể, cá nhân có hay không có sai sót chuyên môn. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm).
Báo cáo nhanh kết quả giải quyết sự viên nêu trên về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong ngày 30.5.
Trước đó, TS.BS Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, sáng 29.5, 18 bệnh nhân của khoa Thận nhân tạo đến Bệnh viện để lọc máu chu kỳ. Khi lọc máu được 30-40 phút, bệnh nhân có các dấu hiệu sốc phản vệ. Sau đó các bác sĩ đã dừng và chuyển sang cấp cứu gấp. Tuy nhiên, tính đến chiều 29.5, theo nguồn tin của Dân Việt, đã có 6 trong số 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ tử vong.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.