Bốc hơi sau kiểm toán: Đại gia “hụt” thu, “ông lớn” ngân hàng và xăng dầu tăng tiền tỷ

H.Anh Thứ ba, ngày 07/09/2021 06:59 AM (GMT+7)
Quan sát báo cáo tài chính sau soát xét của các doanh nghiệp cho thấy, hiện tượng lợi nhuận bốc hơi sau kiểm toán vẫn diễn ra tại nhiều doanh nghiệp, trong đó có sự góp mặt của nhiều ông lớn từ xây dựng, xăng dầu hay ngân hàng.
Bình luận 0

Nhiều doanh nghiệp lợi nhuận "bốc hơi" sau kiểm toán

Đơn cử như tại Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) của bầu Đức, bốc hơi tới 50% lợi nhuận sau kiểm toán, với lợi nhuận sau thuế là 8,3 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6/2021 là 7.372 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE: ITA) của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 74,6 tỷ đồng, giảm 21% so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân do chi phí quản lý tăng mạnh từ 28 tỷ lên 45 tỷ đồng và lợi nhuận khác giảm từ 11 tỷ xuống 2 tỷ đồng.

Lệch pha sau kiểm toán: Đại gia “hụt” thu, “ông lớn” ngân hàng và xăng dầu tăng lãi - Ảnh 1.

Doanh nghiệp của nữ đại gia họ Đặng và nhiều "ông lớn" suy giảm lợi nhuận sau kiểm toán. (Ảnh: LT tổng hợp)

Một "ông lớn" trong ngành xây dựng là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG - sàn HOSE) cũng có lợi nhuận biến động sau soát xét.

Theo đó, sau soát xét, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2021 của VCG bị điều chỉnh về mức 2.340,9 tỷ đồng và 248,8 tỷ đồng, tương đương giảm gần 1% và 11% so với báo cáo tài chính tự lập trước đó.

Tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), so với trước soát xét doanh thu thuần hợp nhất giảm 48 tỷ đồng, tương ứng 1,4% xuống gần 3.428 tỷ đồng.

Ngược lại, chi tài chính ghi nhận tăng mạnh từ hơn 47 tỷ lên 112 tỷ đồng, tương ứng tăng 137,3% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 63 tỷ lên gần 612 tỷ đồng.

Do vậy, lợi nhuận sau thuế giảm 12,4%, tương đương "bốc hơi" hơn 169 tỷ đồng xuống còn hơn 1.199 tỷ đồng.

Tăng lỗ sau kiểm toán là CTCP BOT Cầu Thái Hà (UPCOM: BOT) với khoản lỗ 50,9 tỷ đồng, tăng 17,55% so với báo cáo tự lập.

BOT cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế công ty giảm do điều chỉnh giá vốn hàng bán tăng 1,3 tỷ đồng; tăng chi phí quản lý doanh nghiệp 6,55 tỷ đồng.

CTCP Xây dựng Số 9 – Vinaconex 9 (HNX: VC9) cũng có mức chênh lệch giảm lợi nhuận sau soát xét mạnh nhất trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán nửa đầu năm 2021. Cụ thể, doanh nghiệp này lỗ 6,9 tỷ đồng, trong khi lãi 292 triệu đồng trên báo cáo  tự lập.

Nguyên nhân sự sụt giảm này là do đơn vị kiểm toán cho rằng giá vốn công ty phải ghi nhận theo phương án phù hợp với doanh thu nên có sự chênh lệch. Do đó, VC9 đã điều chỉnh cho phù hợp theo hướng dẫn của chế độ kế toán hiện hành tại Việt Nam.

Đáng chú ý, kết quả lỗ ròng 7 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2021 đã đẩy công ty lỗ lũy kế tại ngày 30/6/2021 lên gần 27 tỷ đồng.

Lệch pha sau kiểm toán: Đại gia “hụt” thu, “ông lớn” ngân hàng và xăng dầu tăng lãi - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán. (Ảnh: GD)

Chuyển từ lãi sang lỗ còn có Tập đoàn Nhựa Đông Á với mức lãi 3,6 tỷ đồng trước kiểm toán sang lỗ gần 4,8 tỷ đồng (tức giảm 232%) sau kiểm toán.

Trên thực tế, tình trạng lợi nhuận bốc hơi hay lỗ sau kiểm toán đã là điệp khúc quen thuộc đối với nhiều nhà đầu tư trên thị trường những năm gần đây. Nhìn nhận một cách khách quan, giới kế toán kiểm toán cho rằng việc sai lệch này đôi khi cũng có thể do vô tình sai sót, nhưng cũng có thể do cố tình gian lận số liệu trên báo cáo tự lập.

"Ông lớn" xăng dầu và ngân hàng tăng lãi

Chiều ngược lại, không ít doanh nghiệp tăng lãi sau soát xét.

Đơn cử như với CTCP Xây lắp Điện I (PC1), điều chỉnh lợi nhuận lên mức 406 tỷ đồng, tăng 94% so với con số trong báo cáo tự lập trước đó.

PC1 giải trình nguyên nhân do Công ty ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào CTCP Khoáng sản Tấn Phát khi chuyển khoản đầu tư từ công ty liên kết thành công ty con theo giá trị ghi sổ.

Lĩnh vực chứng khoán, công ty chứng khoán Agribank (AGR) báo lãi tăng 86% sau soát xét, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 294 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ 2020, xóa hết toàn bộ lỗ lũy kế.

Tại "ông lớn" ngành xăng dầu Petrolimex, sau kiểm toán lợi nhuận tăng thêm 80 tỷ đồng, đạt 2.330 tỷ đồng sau thuế.

Lệch pha sau kiểm toán: Đại gia “hụt” thu, “ông lớn” ngân hàng và xăng dầu tăng lãi - Ảnh 5.

Vietcombank tăng lãi sau soát xét bán niên. (Ảnh: CTG)

Trong lĩnh vực ngân hàng, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét của Vietcombank cho thấy, thu nhập từ lãi của Vietcombank tăng gần 9 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập công bố trước đó (tăng từ hơn 21.169 tỷ đồng lên 21.178 tỷ đồng).

Theo đó, hậu soát xét ngân hàng có 28.589 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng gần 9 tỷ đồng. Trong khi chi phí hoạt động tăng 5 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập, nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng của ngân hàng tăng thêm 4 tỷ đồng, đạt 19.073 tỷ đồng. 

Sau trích lập dự phòng, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 13.573 tỷ đồng, tăng 3,56 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập và cao hơn 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế tăng gần 5 tỷ so với trước kiểm toán, đạt 10.872 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem