Môi trường sạch, thêm việc làm

Thứ tư, ngày 27/10/2010 17:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Là xã khó khăn của tỉnh Long An, lại nằm sát cửa Soài Rạp bị mặn xâm thực, mạch nước ngầm sạch cũng không có, vì thế ở xã Tân Tập (huyện Cần Giuộc), nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường là nỗi bức xúc của người dân. Từ khi có vốn Ngân hàng CSXH, khó khăn của bà con đã được giải toả...
Bình luận 0
img
Xe nhang bằng máy mua từ vốn NHCSXH của gia đình anh Cầm.

Nói về bức xúc này, bà Nguyễn Thị Gái Chủ tịch Hội Phụ nữ Tân Tập cho hay: "Cách đây 3 năm, xã chỉ có một điểm "đổi nước" chở bằng ghe từ nơi khác đến, giá 100-150 đồng/lít, nhưng không phải ai cũng đổi được vì nhà xa, lại không có tiền. Đa phần bà con phải lấy nước ao sử dụng. Còn nhà vệ sinh là vài cây tre bắc chênh vênh trên mặt nước ao hoặc kênh rạch.

Tắm, giặt bằng nước sạch

Để giúp người dân Tân Tập, từ năm 2007, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cần Giuộc không chỉ cho ND vay vốn phát triển sản xuất mà còn cho vay để giải quyết nước sinh hoạt và xây nhà vệ sinh. "Vì Tân Tập không có mạch nước ngầm sạch nên ND cần tiền xây bể chứa nước mưa kết hợp xây nhà vệ sinh tự hoại", bà Nguyễn Thị Ngọc Ân- Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cần Giuộc nói.

Chị Trần Thị Ngọc Anh - Chi hội trưởng phụ nữ ấp Tân Thành cho biết, ấp có 480 hộ, đến tháng 9-2010, 348 hộ đã xây được bể nước và nhà vệ sinh. Nhà ít cũng hai bể, dung tích 2m3/bể. Gia đình chị Anh nhờ vay thêm vốn ngân hàng đã xây tới 8 bể tương đương 16m3. Tắm, giặt, nấu ăn đều dùng nước mưa, mùa khô chị còn cho nhiều gia đình trong xóm sử dụng mà vẫn không hết.

img Đến đầu tháng 10-2010, Tân Tập có 2.304/3.900 hộ xây được bể chứa nước mưa và nhà vệ sinh tự hoại; 500 lao động có việc làm tại chỗ và thu nhập ổn định từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH. Qua kiểm tra, đồng vốn sử dụng đúng mục đích, không ai nợ quá hạn. img

Ông Nguyễn Thanh Nhanh - Chủ tịch UBND xã Tân Tập

Để đồng vốn thực hiện chương trình nước sạch sinh hoạt - vệ sinh môi trường hiệu quả, Hội Phụ nữ xã xây dựng 21 tổ "Vay vốn tiết kiệm" với 754 thành viên tham gia. Sau 3 năm hoạt động, số vốn tiết kiệm của 21 tổ lên tới 475 triệu đồng.

Ngoài nhắc nhau sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả đúng hạn, hàng tháng tổ viên góp từ 30.000-100.000 đồng làm vốn tiết kiệm xoay vòng giúp nhau xây bể chứa nước mưa, nhà vệ sinh.

"Từ nguồn này, 52 chị trong chi hội đã xây được bể nước và nhà vệ sinh tự hoại" - chị Anh phấn khởi cho biết.

Nông dân có thêm việc làm

Xã Tân Tập có 2.400ha đất nhưng chỉ 500ha trồng được 2 vụ lúa/năm, năng suất 3 tấn/ha. Còn 350ha làm một vụ, diện tích còn lại bị nhiễm mặn nặng. Cách đây 5 năm, bắt còng bán để mưu sinh trở thành nghề chính của hơn 50% hộ nghèo (500 hộ).

img
 

Cùng với chương trình nước sinh hoạt- vệ sinh môi trường, 9 tháng đầu năm 2010, Ngân hàng CSXH giải ngân 10,317 tỷ cho 717 hộ vay thực hiện hai chương trình xóa nghèo và cho vay vùng khó khăn. "Vốn Ngân hàng góp phần mở ra nhiều ngành nghề, thu hút lực lượng lao động không nhỏ ở một xã tỷ lệ nghèo còn tới 12,8%", ông Nguyễn Thanh Nhanh - Chủ tịch UBND Tân Tập khẳng định.

Năm 2002 vợ chồng anh Nguyễn Văn Cầm khởi nghiệp nghề xe nhang (hương). Năm 2008 anh mua máy xe, máy trộn, máy sàng, máy sấy và thuê 10 thợ trực tiếp sản xuất, với thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Thấy cơ sở của anh ăn nên làm ra và tạo việc làm cho gần 200 lao động (theo hình thức nhận nguyên liệu về nhà làm, giao sản phẩm cho vợ chồng anh tiêu thụ) năm 2009, Ngân hàng CSXH huyện cho anh vay 25 triệu đồng để mua thêm máy xe nhang. Ngoài cơ sở của anh Cầm, chị Trần Thị Kim Tuyến cùng hai hộ khác làm xe nhang cũng được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng mua nguyên liệu, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 100 lao động.

“Ngân hàng cũng còn cho 3 hộ vay mở 3 cơ sở may gia công thu hút gần 100 con em ND đến làm” - bà Nguyễn Thị Gạo- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Tập thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem