Xóa bỏ ngay các điều kiện kinh doanh vô lối!

Mai Hương (thực hiện) Thứ hai, ngày 22/06/2015 13:21 PM (GMT+7)
“Hãy tận dụng và thực thi hiệu quả nhất Nghị quyết 19, phải lọc những giấy phép, điều kiện kinh doanh quá lố, không thích hợp, trái quy định pháp luật để làm văn bản công bố bãi bỏ”. 
Bình luận 0

Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS Lê Đăng Doanh đã nói như vậy khi trả lời PV NTNN về các điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ từ 1.7 tới đây.

Từ 1.7 tới đây, 3.299 điều kiện kinh doanh sẽ chính thức bị bãi bỏ theo Luật Đầu tư mới. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp (DN) đang lo ngại, không biết có bãi bỏ nổi không, thưa ông?

img
Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS Lê Đăng Doanh
- Bãi bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý nhằm đơn giản hóa, giảm các thủ tục, chi phí cho DN là mục tiêu của Nghị quyết 19 của Chính phủ đã ban hành và thực hiện từ năm 2014 đến nay. Nhưng đã sang năm thứ hai triển khai nghị quyết này, các bộ vẫn chưa bỏ được bao nhiêu các quy định, thủ tục cần bỏ. Do vậy, với hơn 3.000 điều kiện kinh doanh tới đây để bãi bỏ được hoàn toàn, tôi cho không dễ dàng gì. Lý ra các bộ phải tự mình ra các quyết định bãi bỏ các điều kiện này trước 1.7 nhưng báo cáo của CIEM đến thời điểm này cho thấy, vẫn còn tới 14 bộ, cơ quan; 55 tỉnh chưa có kế hoạch này. Các kế hoạch hành động còn lại để cải cách thủ tục hành chính thì cũng chưa cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện và dự kiến kết quả đạt được.

 

Theo báo cáo của CIEM, trong khi các thủ tục cũ chưa kịp bãi bỏ thì các bộ ngành địa phương lại đang có xu hướng “đẻ” thêm các thủ tục mới, ông nghĩ sao về điều này?

- Điều này không có gì là khó hiểu. Bởi các giấy phép, quy định hiện nay đang gắn rất chặt với lợi ích của các bộ ngành, thậm chí của một số người nên đương nhiên không dễ dàng bị bãi bỏ. Các quy định, điều kiện phần lớn đều được “cài cắm”, đưa quyền lợi của bản thân các bộ ngành vào đó. Cơ quan ra điều kiện giờ kinh nghiệm đầy mình, họ biết rằng, nếu bị bỏ giấy phép sẽ mất bao nhiêu lợi ích, nên sự chối bỏ, thậm chí đẻ thêm thủ tục mới là điều dễ hiểu.

Các điều kiện kinh doanh vô lối đang đẻ ra tham nhũng, lợi ích nhóm là thực tế nhức nhối hiện nay. Hội nhập tới đây sẽ là cơ hội và thách thức lớn. Với chi phí thời gian và tiền bạc bỏ ra cho các điều kiện phi lý thế này, DN của ta làm sao đi vào khoa học công nghệ, làm sao cạnh tranh ?

Do vậy, tôi cho rằng, chúng ta hãy tận dụng và thực thi và hiệu quả nhất Nghị quyết 19 của Chính phủ; phải lọc những giấy phép, điều kiện kinh doanh quá lố, không thích hợp, không hợp lý gì về kinh tế, trái quy định pháp luật để làm văn bản công bố bãi bỏ.

Nhưng bãi bỏ bằng cách nào khi điều đó là “không dễ dàng” như ông nói?

- Tôi đã trực tiếp gợi ý với CIEM (cơ quan theo dõi thực thi Nghị quyết 19) rằng, nên cùng với Bộ Tư pháp có công văn nhắc nhở các bộ ngành liên quan về việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp này. Nếu các bộ ngành không chịu bãi bỏ thì Bộ Tư pháp sẽ tập hợp để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ ra quyết định bãi bỏ.

Tôi cho rằng, chúng ta phải có quyết tâm và nỗ lực đồng bộ mới có thể xóa bỏ được vì các điều kiện kinh doanh và biến tướng của nó không chỉ là rào cản, khiến chi phí gia nhập thị trường cao và kéo dài, mà còn làm mất cơ hội tiếp cận kinh doanh, gây thiệt thòi cho DN và các thành phần kinh tế. Rõ ràng, điều kiện kinh doanh vô lối đang là thể chế tạo ra rủi ro cho DN. DN không tiếp cận được với chuỗi giá trị toàn cầu, không cạnh tranh được với cơ hội kinh doanh mà các hiệp định thương mại tự do đưa lại.

Cũng từ 1.7 tới, chỉ có 3 cơ quan gồm: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. Nhưng “chấp bút” cho dự thảo các điều kiện nhiều khi vẫn là các bộ ngành, vậy theo ông làm thế nào để có thể xóa bỏ được các điều kiện vô lối?

- Tôi cho rằng, đã đến lúc phải tách bạch người làm quy định ra khỏi người thực hiện, kết thúc việc vừa đá bóng vừa thổi còi mới có thể cải thiện điều kiện kinh doanh, tránh việc vừa làm, vừa thực thi chính sách và kiếm lợi từ sự thực thi đó.

Các bộ ngành cũng phải đổi mới tư duy, thay đổi suy nghĩ khi dự thảo ra các văn bản. Tôi biết nhiều DN, hiệp hội đã phản ánh nhiều điều không phải như các bộ đã báo cáo lên. DN vẫn kêu rằng, thủ tục này được cắt thì thủ tục mới lại mọc ra, cuối cùng chẳng cải cách được gì. Bộ nào cũng nói đã vận dụng CNTT nhưng DN vào mạng của họ thì không hoạt động, muốn được việc thì DN vẫn phải chạy đến tận nơi.

Do vậy, để thực sự cải cách được các thủ tục, điều kiện đòi hỏi phải có sự giám sát các bộ ngành địa phương nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ các cơ quan như VCCI hay các hiệp hội nên có các báo cáo điều tra độc lập về xác nhận của các DN về cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Nghị quyết 19 đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và 80 giải pháp cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương. Theo yêu cầu trước 30.4.2015, các bộ, cơ quan, địa phương ban hành kế hoạch hành động. Tuy nhiên, theo báo cáo của CIEM, vẫn còn tới 14 bộ, cơ quan; 55 UBND tỉnh chưa có kế hoạch này. Nhiều bộ gửi kế hoạch thì “cóp” nguyên xi các văn bản của bộ đưa cả các nội dung không liên quan đến Nghị quyết 19 vào. Các kế hoạch hành động còn lại thì chưa cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện và dự kiến kết quả đạt được.

Hiện có 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó có 3.299 điều kiện kinh doanh hiện đang quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ. Theo Luật Đầu tư 2014: Chỉ có 3 cơ quan gồm: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. Do vậy, 3.299 điều kiện kinh doanh tại các thông tư, quyết định của các bộ đương nhiên sẽ bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2015.

(Trích Báo cáo của CIEM ngày 18.6.2015)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh: Điều kiện không phù hợp sẽ bãi bỏ!

Luật Doanh nghiệp và Đầu tư sửa đổi tạo sự thông thoáng và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Việc rà soát hệ thống giấy phép con, điều kiện kinh doanh có thể nói chưa có một quốc gia nào làm một việc khó như Việt Nam. Trước khi hệ thống và rà soát lại, Việt Nam có tới 51 ngành nghề cấm kinh doanh nhưng đến nay đã rút lại chỉ còn 6 ngành nghề. Về điều kiện kinh doanh, trước đây là 386 nay chỉ còn 267 ngành nghề có điều kiện.

Quốc hội và Chính phủ vẫn tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành chủ động rà soát lại. Nếu có điều kiện kinh doanh nào không phù hợp sẽ loại bỏ ngay theo tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Từ 1.7 tới, ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ được quy định từ cấp Chính phủ trở lên. Những trường hợp quy định điều kiện kinh doanh trái với thẩm quyền sẽ đương nhiên bị bãi bỏ.

Ông Đậu Anh Tuấn -Trưởng ban Pháp chế (VCCI): Cần đẩy nhanh cải cách hơn nữa!


Hiện nay, thay đổi của các quy định, thủ tục xuống thực tế còn quá ít. Các bộ ngành nói đã cắt giảm cái này, đơn giản cái kia song “khoảng cách giữa mồm với tay còn quá xa”. Chúng ta nói rút ngắn thủ tục, giảm thời gian cho người dân, doanh nghiệp nhưng thực tế có đúng không còn phải xem lại. Chúng ta cứ nói cải cách nhưng mãi không thấy thay đổi gì sẽ khiến người dân, doanh nghiệp có tâm lý thờ ơ, rất nguy hiểm. Tôi cho rằng, Nghị quyết 19 của Chính phủ cần được thúc đẩy để cải cách nhanh và mạnh hơn nữa.

Hải Quỳnh (ghi)


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem