Bới vườn tìm vàng

Thứ sáu, ngày 06/04/2012 07:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không thể chọn những nơi “ngon ăn” như sông, suối để đào vàng trái phép như các doanh nghiệp, nhiều hộ dân ở xã Hồng Thủy (A Lưới, Thừa Thiên - Huế) đổ xô đào bới vườn tược của gia đình để tìm vận may đổi đời.
Bình luận 0

“Hố bom” trong vườn nhà

Nhiều ngày nay, gia đình chị Căn Hiêng ở thôn 5, xã Hồng Thủy, bận rộn với việc đào bới mảnh vườn nhà mình để tìm vàng sa khoáng. Giữa cái nắng chang chang của buổi trưa ở miền sơn cước, chị Hiêng và 2 đứa con hì hục đào bới, 3 đứa con khác thì đảm trách việc vận chuyển những bao tải đất ấy xuống suối Lung Leng cách nhà khoảng 150m đãi lấy vàng.

img
Vườn nhà chị Hiêng đang “được” đào để tìm vàng.

Tốc độ đào- đãi ngày càng cao của gia đình chị Hiêng khiến khoảnh đất bên cạnh tường nhà đã bị biến thành một cái hố to và đang sâu thêm. Cây khế ngọt nằm trên khoảnh đất này đã bị đào xuống tận rễ và đang chờ ngày đổ. Cả nhà xúm vào làm nhưng mỗi ngày chỉ thu hoạch được hơn 3 ly vàng, quy ra tiền chừng hơn 100.000 đồng. Khoản thu ấy cũng đủ cho chị Hiêng phấn chấn: “Nếu đào hết cả khu vườn ni thì thu nhập chắc cũng kha khá. Không trúng lớn như người ta đào ở suối nhưng cũng kiếm được ít tiền”.

Cạnh đó, khu vườn của gia đình anh Quỳnh Việt cũng dần bị biến thành một “hố bom” do đào vàng. “Hố bom” này có nhiều hàm ếch sâu hoắm, trong đó bố con anh Việt hì hục đào bới, quần áo, mặt mũi lấm lem bùn đất. Thấy chúng tôi đến, anh Việt nói: “Lấy hết vàng, mình dùng hố này để… làm ao nuôi cá”. Khi được hỏi “ao cá” này nằm ngay bên sườn đồi, sao có thể tích nước, thì anh Việt cho biết tưởng chúng tôi là cán bộ nên… nói đại như thế.

Khu vườn của gia đình bà Căn Vun nằm cheo leo bên bờ suối Lung Leng đã sạt lở nặng do bị các doanh nghiệp đào bới để lấy vàng. Trong khi sạt lở bờ suối đang hàng ngày uy hiếp khu vườn và nhà mình thì gia đình bà Vun lại “tiếp sức” bằng việc đào vườn để lấy vàng ngay cạnh nhà. Hàng ngày, tất cả con cháu trong gia đình bà say sưa với việc đào- đãi, khiến khu vườn ngày càng tan hoang. “Vườn của mình thì mình khai thác, có thì ăn không có thì vứt”- bà Vun lý lẽ.

Những “hố bom” trong vườn các hộ dân thôn 5 cũng như nhiều thôn khác của xã Hồng Thủy đang thực sự là ẩn họa. Ngoài làm mất đất sản xuất và gây sạt lở, những hố sâu này còn là cái bẫy nguy hiểm đối với người dân, nhất là trẻ em và người già. “Người già chúng tôi và trẻ con có thể bị sa chân rơi xuống những hầm hố này bất cứ lúc nào. Biết là nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo nên bà con bất chấp tất cả”- ông Hồ Văn Hà (75 tuổi) nói.

Vàng “đuổi” chữ

Buổi trưa ở Hồng Thủy, không ít những đứa trẻ vội vàng quẳng cặp sách vào nhà rồi lao ra bờ suối đãi vàng tìm vận may. Hỏi chúng ăn cơm chưa, chúng lắc đầu. Buổi trưa tranh thủ đào - đãi giúp chúng kiếm được 10 -30 nghìn đồng, với những đứa trẻ ở Hồng Thủy - nơi có đến gần 50% số hộ nghèo và cận nghèo thì khoản tiền này là rất lớn, thậm chí là “cả giấc mơ”. Hồ Văn Hiêng (14 tuổi), học sinh lớp 8, Trường Tiểu học và THCS Hồng Thủy, áo ướt đẫm mồ hôi, miệng thở hồng hộc vì mệt, nói: “Em phải tranh thủ phụ giúp bố mẹ tìm vàng, mệt nhưng phải làm để có tiền”.

Nhiều ngày nay, ngoài giờ đến lớp, thời gian còn lại Hiêng đều lao vào bới vườn tìm vàng. Học lực của cậu học sinh nghèo này vì thế cũng xuống dốc như xe không phanh. Những giờ ngồi trên lớp, tâm trí của Hiêng đều để ở chỗ hố vàng cạnh nhà, nên không thể tiếp thu bài vở. Buổi tối, sau khi sức lực đã kiệt quệ vì đào vàng, Hiêng cũng quên luôn việc học bài như thường lệ. Nhưng lao vào đào vàng mà vẫn duy trì việc đến lớp như Hiêng vẫn được coi là “tiến bộ” ở xã biên giới này.

Theo một lãnh đạo Công an huyện A Lưới, một trong những nguyên nhân khiến nạn khai thác vàng trái phép ở Hồng Thủy diễn ra dai dẳng là do cán bộ xã không kịp thời báo cho huyện. Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Hồ Bá Bình từng bị Chủ tịch UBND huyện đề nghị kiểm điểm về lỗi này.

Từ ngày “bão” vàng nổi lên ở Hồng Thủy, không ít học sinh địa phương bị ma lực của vàng đẩy xa con chữ, như trường hợp của em Hồ Vinh ở thôn 5. Gần 2 năm nay. Vinh đã bỏ học để cùng gia đình đào vàng. “Học chữ thì không ra tiền, nhưng đào vàng mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng”- Vinh giải thích lý do bỏ học của mình. Nếu “bão” vàng ở đây không sớm được khống chế thì tình trạng bỏ học sẽ lan nhanh như một thứ dịch bệnh nguy hiểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Bá Bình- Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết, hiện người dân nhiều thôn trên địa bàn buổi sáng làm rẫy, buổi chiều đào vàng. Nghe chỗ nào có vàng thì bà con đi đãi, vì không làm thì không có ăn. Cũng theo ông Bình, không chỉ những hộ nghèo và cận nghèo mới lao vào đào vàng, mà ngay cả những hộ khá giả cũng bị cuốn theo phong trào này.

Về tình trạng người dân bới vườn tìm vàng, ông Bình cho biết chính quyền đã tổ chức họp dân để can thiệp nhưng không ngăn chặn được. Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân, khi họ bới vườn tìm vàng, chưa có ai đến ngăn cản. Xem ra, tình trạng người dân đổ xô bới vườn tìm vàng và vàng “đuổi” chữ ở Hồng Thủy chỉ chấm dứt khi đất đai ở đây không còn vàng để khai thác.

Kỳ 3: “Chiến hạm” giữa rừng sâu

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem