Hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách "đắp chiếu": Bốn ngân hàng quốc doanh có được vay để cứu thanh khoản?

An Vũ Thứ sáu, ngày 18/11/2022 17:52 PM (GMT+7)
Hiện tại ngân sách đang có hàng trăm ngàn tỷ đồng chưa được sử dụng. Trước vấn đề này, có ý kiến cho rằng, nên cho 4 ngân hàng quốc doanh vay 50% số tiền đó để "cấp cứu" thanh khoản dòng vốn. Các chuyên gia kinh tế đã cùng thảo luận về vấn đề này.
Bình luận 0

Nên xem xét nhưng cần có cơ chế ngay, đừng tháo được điểm nghẽn này lại tạo điểm nghẽn khác

Bày tỏ về đề xuất này, tại  Talkshow do báo Đầu tư tổ chức ngày 18/11, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, cũng nên xem xét.

Tuy nhiên việc này có liên quan đến "cục tiền" bên tài khóa chưa chi được nên phải gắn với kế hoạch quyết liệt chi tiêu đầu tư công thời gian tới. Nếu chỉ nhìn con số 200.000 -300.000 tỷ đồng có đóng góp rất tích cực nhưng so với nhu cầu hiện nay, xử lý cả tín dụng và tín dụng cấp mới cũng không phải quá lớn.

"Đọng" hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách, chuyên gia nói gì về đề xuất cho 4 ngân hàng quốc doanh vay 50% số tiền? - Ảnh 1.

Các chuyên gia tham dự Talk của báo Đầu tư. Ảnh báo Đầu tư.

Theo ông Thành, vì thế cần tính đến tất cả các giải pháp chứ không phải chỉ là giải pháp này.

Ông Thành cũng cho biết, có ý kiến còn cho rằng cần dành quỹ bình ổn, "giải cứu" thị trường trái phiếu. Ý tưởng không phải mới, mặc dù so sánh có thể khập khiễng nhưng trước đây Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cũng đưa ra, bản chất là không dùng tiền ngân sách nhưng ý tưởng sẽ xử lý dần dần trước mắt thu dọn nợ xấu sang bên lề để dòng tiền bình thường vẫn trôi chảy trên thị trường.

Cách này cũng vậy, tôi có lượng tiền lớn của ngân sách, tôi sẽ tham gia vào thị trường, sẽ mua lại trái phiếu để cho thanh khoản, để nhà đầu tư bất khó khăn.

Vị chuyên gia này cho rằng, cách này lại có vấn đề:

Thứ nhất: Quốc hội có cho phép sử dụng tiền ngân sách không?!

Thứ hai: Từ bài học xử lý nợ xấu vừa rồi cho thấy sau này có Nghị quyết 43 của Quốc hội và đến bây giờ vẫn chưa xử lý xong vì vẫn còn những khó khăn nhất định.

Cho nên nếu thực hiện, cần phải được sự đồng ý dùng tiền ngân sách. Thứ hai, từ bài học xử lý nợ xấu kia, khi làm phải có cơ chế xử lý mặc dù xử lý tài sản phải dần dần nhưng phải có cơ chế ngay. Nếu không thoát được ít điểm nghẽn này lại tạo điểm nghẽn mới khiến cho quá trình cải cách, tái cơ cấu hệ thống tài chính càng thêm khó khăn.

Tắc nghẽn dòng vốn không nằm ở ngân hàng

Cũng bàn luận về đề xuất này, TS. Trần Minh Tuấn - Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, thứ nhất thanh khoản của chúng ta hiện tại bị tắc nghẽn không nằm ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ngân hàng thương mại (NHTM). Bởi họ vẫn đang luân chuyển tiền thông qua quản lý thị trường mở rất tốt còn thanh khoản giữa NHTM và các thành phần kinh tế khác mới đang là vấn đề.

Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn mới đang là vấn đề tắc nghẽn chứ không phải các NHTM không tiếp cận được với vay liên ngân hàng của NHNN.

Chính vì vậy nếu có sử dụng dòng tiền từ chưa giải ngân, NHTM cũng không có cơ chế để giải ngân ra. Vì room tín dụng chỉ có vậy, và chúng ta cũng chưa tiêu xong 2% còn lại của room tín dụng.

"Đọng" hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách, chuyên gia nói gì về đề xuất cho 4 ngân hàng quốc doanh vay 50% số tiền? - Ảnh 2.

TS. Trần Minh Tuấn - Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS).

"Một ví dụ mà chúng ta có thể nhắc đến ngay là gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng gần như chưa giải ngân được. Có rất nhiều lý do, vẫn xuất phát từ room tín dụng và xuất phát từ vướng mắc trong thực tế triển khai là điều kiện cho vay. Đã là gói hỗ trợ thì không nên đưa vào tính chung với room tín dụng của cả hệ thống. Nếu như dư nợ từ gói hỗ trợ tín dụng này, chúng ta nên đưa khỏi khối lượng tính room chung của hệ thống trong giai đoạn sắp tới để gói hỗ trợ này có thể được giải ngân nhanh hơn và trôi chảy hơn", ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó phải xem xét lại trong thực tế giải ngân, điều kiện giải ngân đối với các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng này. Bởi vì điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ này là cực kỳ khó khăn.

Ông Tuấn nói thêm, liên quan đến thị trường trái phiếu, hiện có Thông tư 16 của NHNN ban hành quy định, NHTM nếu như phân phối trái phiếu cho các tổ chức khác, sau một năm NHTM được mua lại trái phiếu đó của tổ chức khác phát hành. Điều này dẫn tới vai trò của tạo lập thị trường trái phiếu của ngân hàng bị hạn chế. Không phải nhà đầu tư nào cũng mua trái phiếu kỳ hạn dài và nếu cho NHTM được linh hoạt hơn trong việc mua lại trái phiếu đã bán ra của các tổ chức phát hành khác ngân hàng thì sẽ làm cho thanh khoản của thị trưởng trái phiếu tăng lên.

Theo chuyên gia AAS, các quy định của ta nên tập trung vào việc tăng thanh khoản của thị trường trái phiếu, không nên tạo ra những quy định siết thanh khoản của thị trường trái phiếu thì thị trường trái phiếu có khả năng sẽ tốt lên.

Hơn nữa, Thông tư 16 có quy định NHTN chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành nếu như trái phiếu đó phục vụ dự án đầu tư, đây là một điều tương đối chung chung bởi với doanh nghiệp bất cứ hoạt động nào cũng có thể xem là dự án đầu tư kể cả vốn lưu động. Nên chúng ta phải quy định rõ ràng hơn về dự án đầu tư là những hoạt động gì, cần nghiên cứu lại để sửa đổi và chi tiết hoá để việc vận hành được tốt hơn.

Bên cạnh đó Nghị định 65 của Bộ Tài chính sửa đổi đối với trái phiếu,  nên hướng đến việc tạo ra sân chơi thu hút được nhiều người chơi hơn đồng thời quy định để các hàng hoá được chất lượng hơn. Nên siết thêm những quy định về phát hành để tạo nên những hàng hoá chất lượng trên thị trường. Hơn nữa, việc chấm điểm tín dụng, xếp hạng tín nhiệm cũng cần được công bố rõ ràng để nhà đầu tư khi tiếp cận với trái phiếu doanh nghiệp có thể nhìn thấy ngay những rủi ro tiềm ẩn.

"Thứ trưởng Bộ Tài chính vừa trao đổi trong một hội nghị mới đây, rõ ràng trái phiếu không phải tiền gửi tiết kiệm. Đúng là khi nhà đầu tư mua thì phải tự chịu trách nhiệm nhưng các quy định có liên quan đến tổ chức phát hành để phát hành hàng hoá ra thị trường nên chặt chẽ hơn để có những hàng hoá thực sự chất lượng", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho rằng, nên quy định người "chơi" nên có độ phổ rộng hơn, nên xem xét lại điều kiện để nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia vào trái phiếu riêng lẻ hoặc các loại hình trái phiếu khác. "Đồng thời nên có thêm hành lang pháp lý để nhà đầu tư được xem là chưa chuyên nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ, những nhà đầu tư chưa chuyên nghiệp vẫn nên được tiếp cận đầy đủ thông tin của tổ chức phát hành để có thể nhận thức được những rủi ro và lợi nhuận như thế nào. Đây là ý kiến của tôi để làm sao thị trường trái phiếu được bền vững hơn và niềm tin của nhà đầu tư có thể quay trở lại", ông Tuấn bày tỏ.

Hiện các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tốt cũng như xấu đang bị đánh đồng nên cần có giải pháp để tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường và cần thực hiện ngay. "Những doanh nghiệp đủ tốt phát hành trái phiếu trên thị trường hiện đang bị ảnh hưởng bởi thị trường chung. Vậy có nên tổ chức ra những quỹ hoặc các đơn vị giống như VAMC trước đây để có thể tham gia tái cơ cấu thị trường trái phiếu trong giai đoạn khó khăn như hiện tại?", ông Tuấn băn khoăn.

Theo ông Tuấn, không nên hạ chuẩn đối với hoạt động phát hành trái phiếu mà nên mở độ rộng của thị trường cho các nhà đầu tư có thể tham gia và tiếp cận. Ông Tuấn cho rằng, việc này mang tính chất bền vững hơn đối với thị trường và thời điểm hiện tại rất cần các quỹ hỗ trợ như Hàn Quốc và Trung Quốc đã làm và dòng tiền của quỹ phải lấy từ ngân sách nhà nước. Việc lựa chọn thẩm định cần rất kỹ càng để chọn những trái phiếu tốt để hỗ trợ thanh khoản cho những trái phiếu này.

"Một ý kiến tôi thấy rất cần phải xem xét đó là liệu các tổ chức phát hành sẽ thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn trong 2 năm tới như thế nào. Bản thân thị trường tín dụng và thị trường tiền tệ cũng như vậy, ngân hàng có linh động trong việc đàm phán gia hạn đối với những khoản nợ đến hạn đó vậy nên chúng ta không nên quá lo ngại hay hoảng sợ việc trái phiếu ồ ạt đến hạn thì làm thế nào. Nên có những quy định về việc các tổ chức phát hành có những hội đồng trái chủ để có thể có những thoả thuận đàm phán với trái chủ để trong lúc khó khăn hội đồng trái chủ có thể đồng ý gia hạn thanh toán chi trả cho trái chủ.", ông Tuấn nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem