Có một số phương pháp chính để nhân giống atisô.
Thứ nhất, phương pháp hữu tính (trồng bằng hạt). Dạng này không thông dụng, thường chỉ áp dụng trong các cơ quan nghiên cứu để lai tạo giống ban đầu. Tuy nhiên, nếu dùng giống F1 tốt thì sẽ có hiệu quả cao.
|
Atisô có thể sử dụng cả bông và lá, làm dược liệu rất tốt. |
Thời vụ gieo hạt từ tháng 2 – 4 hàng năm. Chọn hạt tốt, loại bỏ hạt lép. Ngâm hạt vào dung dịch: Zineb hoặc KMnO4 1%… để xử lý trước khi gieo. Đất và phân hữu cơ hoai mục trộn theo tỷ lệ 1:3. Khi cây con lên bón thúc phân DAP và NPK 16:16:8:13. Phun xịt các loại thuốc sâu bệnh thông thường theo định kỳ để phòng trừ dịch hại. Tốt nhất nên sử dụng vườn ươm có mái che.
Phương pháp vô tính (cấy mô) có ưu điểm cây sạch bệnh, sinh trưởng mạnh, đồng đều và sản xuất nhanh một số lượng cây giống nhiều, nhưng hiện chưa được áp dụng phổ biến ở nước ta.
Phương pháp tách cây con từ gốc cây mẹ hiện nay đang được áp dụng nhiều tại Đà Lạt. Cây con được tách từ cây mẹ đã được chọn lựa đạt tiêu chuẩn tốt, cây to, khỏe, năng suất cao, không sâu bệnh, có nhiều rễ, cắt bỏ bớt lá, chiều cao còn lại khoảng 20cm đem nhúng cây con từ 3 – 4 phút trong dung dịch thuốc Zineb hay Kasuran trước khi đem trồng vào luống ươm. Luống ươm đã được xử lý đất bằng CuSO4 (200gr/m2) và Basudin để phòng trừ sâu bệnh như sâu đất, nhớt cắn đọt.
Bón phân (tính cho 1 ha/vụ): Phân chuồng hoại mục: 150 - 300m3; phân lân vi sinh (LVS) 500kg; vôi bột 1.000 - 1.500kg; phân vô cơ: N-P-K 2.000 - 2.600kg lượng nguyên chất, có thể dùng phân đơn hoặc phức hợp theo lượng trên.
Phương pháp bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi, phân LVS rải đều khi làm đất; 1.000kg P2O5, đảo trộn thật đều trước khi trồng.
Bón thúc lần 1, sau trồng từ 25 - 30 ngày, kết hợp cắt, tỉa lá kém chất lượng, bón 400 - 450kg NPK rải đều phân cách gốc 10 - 15cm.
Bón thúc lần 2, sau trồng từ 50 - 60 ngày, bón 100kg N, 250kg P2O5, 150kg K2O rải đều phân cách gốc 15 - 20cm, kết hợp chăm sóc làm cỏ, vun đất nhẹ.
Bón thúc lần 3, sau trồng 3 tháng, bón 150kg N, 100kg P2O5, 100kg K2O rải đều phân quanh gốc, kết hợp chăm sóc.
Bón thúc lần 4, sau trồng 4 tháng, bón 150kg N, 100kg P2O5, 250kg K2O rải đều phân quanh gốc.
Bón thúc lần 5, sau trồng 5 tháng, bón 350kg K2O rải đều phân quanh gốc. Bón thúc lần 6, sau trồng 6 tháng, bón 350kg K2O rải đều phân quanh gốc.
Lưu ý sau các lần bón thúc đều phải tưới nước sau khi bón.
Nếu trồng theo đúng quy trình, atisô sẽ trổ nụ sau khi trồng khoảng từ 90 -100 ngày. Trong năm đầu mỗi nhánh chỉ cho khoảng 2 bông. Những năm kế tiếp mỗi nhánh có thể trổ đến 12 nụ và cứ như vây liên tiếp từ 4 đến 7 năm.
ThS. Phan Khoa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.