Bón phân NPK-S Lâm Thao cho khoai lang để đạt năng suất cao

P,V Thứ sáu, ngày 13/02/2015 11:35 AM (GMT+7)
Bón phân NPK-S Lâm Thao cân đối, phù hợp với tính chất đất, nhu cầu dinh dưỡng của cây khoai lang.
Bình luận 0

1. Diện tích và sản lượng khoai lang

Cây khoai lang -tên khoa học là Ipomoea batatas Lam thuộc họ Convolvulaceae, là cây lương thực quan trọng của nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Khoai lang là loại cây có củ sống quanh năm, được sử dụng rộng rãi làm thức ăn cho người, cho động vật và làm nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp.

img
Ổ khoai lang nặng gần 2kg sau khi được bón bằng phân NPK-S Lâm Thao. H.H
Cây khoai lang được phân bố rộng rãi ở Việt Nam, có mặt ở trung du và miền núi Bắc Bộ, ở châu thổ sông Hồng, các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vùng trồng khoai lang quan trọng nhất là vùng đất cát ven biển thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.

Có khoảng 20 giống khoai lang chủ yếu được trồng tại Việt Nam hiện nay. Trong đó có một số giống có năng suất khá cao là: K51, K4 (V15-70), K3, K2, KB1, KL5, Hoàng Long, Hồng Quảng, VX-37, TV1, Chiêm dâu, Nhật 3, Cực nhanh, 143, HL4, KL1, TV1, H1.2… có năng suất từ 10 tấn đến 30 tấn/ha. Riêng giống khoai lang K51 năng suất có thể đạt tới 25- 30 tấn/ha. Hầu hết các giống đều phù hợp với thời vụ thu đông, đông chính vụ hay đông xuân.

2. Đặc điểm sinh trưởng và phát triển

Khoai lang thường được nhân giống bằng thân (trong dân gian gọi là dây) hay từ mầm củ, rất ít khi nhân giống bằng hạt. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng của cây khoai lang khoảng 20- 30 độ C, dưới 15 độ C và trên 30 độ C cây ngừng sinh trưởng. Thời gian từ khi trồng cho đến khi thu hoạch kéo dài từ 3 -10 tháng tùy theo vào giống và điều kiện nhiệt độ. Đời sống cây khoai lang có 2 giai đoạn: (1) Giai đoạn phát triển rễ sợi (rễ thật), thân, lá và (2) Giai đoạn hình thành và phát triển củ.

Ở vùng ôn đới, khoai lang được trồng vào tháng 5 hoặc 6 và thu hoạch vào tháng 9 hoặc 10, còn ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, cây khoai lang có thể phát triển quanh năm.

3. Yêu cầu đất

Nhìn chung, khoai lang là loại cây có củ ít kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau về đặc tính lý, hóa học. Đất thích hợp nhất đối với cây khoai lang là đất cát pha, có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp, dễ thoát nước và có tầng canh tác dày. Tuy nhiên ở những loại đất khác, cũng vẫn trồng được khoai lang, miễn là có chế độ canh tác thích hợp, ở đất có tầng canh tác mỏng, vùng trũng phải làm luống to và cao, ở đất có thành phần cơ giới nặng cần phải chú trọng bón phân hữu cơ để cải thiện độ tơi xốp…

4. Thời vụ

Ở nước ta, thời vụ chính trồng khoai lang bắt đầu ngay sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu hay vụ mùa, vào khoảng tháng 9 và tháng 10, đôi khi khoai lang có thể trồng muộn vào đầu tháng 11 đối với những giống ngắn ngày như giống K51 (có thời gian sinh trưởng 75-80 ngày) (còn gọi là khoai lang đông). Ngoài ra, cây khoai lang còn được trồng vụ xuân (trung du và miền núi phía Bắc), vụ hè thu và vụ thu ở các vùng đất ven sông hay ở dưới vườn cây ăn quả, sườn dốc hay đất mới khai hoang vừa làm cây lấy rau cho chăn nuôi vừa làm cây phủ đất chống xói mòn và giữ độ ẩm cho cây lâu năm.

Trên vùng đất trồng màu, sau khi thu hoạch cây trồng trước, cần cày vùi toàn bộ cỏ dại và thân lá cây vụ trước. Nếu có quá nhiều cỏ dại và phế phụ phẩm của cây trồng trước, có thể gom lại và ủ để làm phân cho cây khoai. Với đất dốc, nên cày bừa theo đường đồng mức để hạn chế rửa trôi, xói mòn. Không nên bừa đất quá kỹ vì nếu làm đất quá nhỏ, lượng dinh dưỡng và đất mất do rửa trôi xói mòn tăng, độ xốp giảm, hạn chế đến sinh trưởng và phát triển của củ. Đối với đất ruộng, phải tranh thủ cày bừa ngay sau khi thu hoạch vụ trước. Trong trường hợp sau sau thu hoạch lúa đất còn ướt thì không nên bừa kỹ sẽ làm đất dễ bị quánh, cứng, giảm độ khổng khi đất khô. Khi lên luống, gom những cục đất nhỏ vào giữa, để những cục to ra ngoài.

Khoai lang được trồng theo luống với các kích cỡ khác nhau phụ thuộc vào từng loại đất.

- Đất cát:

+ Luống rộng từ 1,2 đến 1,5 m, cao từ 0,45 đến 0,5 m.

+ Dây khoai trồng cắt đoạn 1 và 2 với độ dài 30- 35 cm, không có rễ trên cây.

+ Lấp dây trồng dày hơn 10 cm.

- Đất thịt nhẹ:

+ Luống rộng 1,2- 1,3 m, cao 0,1- 0,45 m.

+ Dây khoai trồng cắt đoạn 1 và 2 với độ dài 25- 30 cm, không có rễ trên cây.

+ Lấp dây trồng từ 7 đến 10 cm.

5. Bón phân NPK-S Lâm Thao cho khoai lang (bảng)

Kỹ thuật bón phân:

Phân lót: Toàn bộ phân chuồng bón lót khi lên luống bước 1 và phân NPK-S*M1 5.10.3-8, bón lót khi lên luống bước 2.

Bón thúc 1: Thời gian từ 15 đến 30 ngày sau khi trồng bón vào hai bên luống, cách gốc 15- 20 cm, có điều kiện thì xẻ rãnh 2 bên hoặc cày xả để 1-2 giờ rồi bón phân kết hợp với xới sâu, rồi vun nhẹ để lấp phân.

Bón thúc 2: Thời gian từ 45 đến 60 ngày sau trồng. Vắt dây cẩn thận hai bên luống, sau đó bón phân, rồi xới nông, đảo phân và vun cao lấp kín gốc (chú ý không bón phân vào gốc và vào thân lá).

Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật trồng khoai lang, trong đó có bón phân NPK-S Lâm Thao cân đối, phù hợp với tính chất đất, nhu cầu dinh dưỡng của cây. Chúc bà con nông dân đạt được năng suất cao.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem