Bốn tháng, Việt Nam nhập khẩu 75 triệu USD rau quả

Thứ sáu, ngày 27/05/2011 14:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phải phân biệt cái nào nhập siêu do khách quan vì không có hàng hoá thay thế, cái nào nhập siêu do chủ quan vì tâm lý sính hàng ngoại để từ đó có cách ứng phó với từng vấn đề.
Bình luận 0

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu nông sản, vật tư nông nghiệp cần phải có hàng rào kỹ thuật ngăn chặn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người nông dân.

Chính sách nhập khẩu “phản tác dụng”

Là một nước nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu nông sản chủ yếu nhưng cũng là nước nhập siêu hàng nông sản với số lượng không nhỏ. Lâu nay chính sách nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu hàng nông sản thường xuyên đem lại những “bất lợi” cho người nông dân.

img
Là một nước nông nghiệp, nhưng trong 4 tháng qua, Việt Nam đã nhập khẩu tới 75 triệu USD rau quả.

Những ví dụ chưa xa từ việc nhập muối, nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi,… là những điển hình để thấy chính sách nhập khẩu đã không mang lại lợi ích cho nông sản Việt Nam nói chung và người dân các vùng sản xuất nông sản nói riêng.

Đây là điều bất hợp lý đến mức khó hiểu. Đã không ít lần người nông dân phải kêu trời vì nông sản ngoại được nhập về không đúng thời điểm đã “bóp chết” nông sản nội. Trong những vụ nhập nông sản ngoại này, người ta chỉ dễ dàng nhìn thấy mối lợi của các doanh nghiệp nhập khẩu.

Một ví dụ khác, gần đây, khi Nhà nước tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc đã làm cho thức ăn gia súc tăng giá, đẩy ngành chăn nuôi tập trung vào thế “phá sản”. Nghịch lý ở chỗ, Việt Nam xuất khẩu gạo được hơn 2 tỷ USD thì nhập nguyên liệu làm thức ăn gia súc cũng xấp xỉ bằng số tiền đó.

“Thắng lớn” trong xuất khẩu gạo chỉ bù được tiền nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc? Nông sản là thế mạnh của Việt Nam, nhập nông sản để chế biến thức ăn gia súc là một nghịch lý đến nay vẫn chưa có phương án tháo gỡ.

Mới đây nhất là chuyện của mía đường. Trong khi sản xuất trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng tiêu dùng nội địa, song trong 4 tháng đầu năm, chúng ta vẫn nhập khẩu đường với số lượng lớn.

Không thể chỉ phòng thủ

Đáng quan tâm, trong cơ cấu hàng nhập siêu hiện nay nhiều mặt hàng trong nước sản xuất được nhưng kim ngạch nhập khẩu vẫn ngày càng tăng. Trong 4 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu 126 triệu USD thủy sản, tăng 124,8% so cùng kỳ; 75 triệu USD rau quả, tăng 95%; dầu mỡ động thực vật 273 triệu USD, tăng 136%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu sản xuất loại này 774 triệu USD, tăng gần 100%; phân bón nhập 453 triệu USD, tăng 107%...

Đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản đưa ra lời giải thích lý do sản xuất ra nông sản nhưng vẫn phải nhập vì “nông sản ngoại đưa về đến Việt Nam cộng mọi chi phí vận chuyển vẫn rẻ hơn nông sản nội 30%”.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong bức tranh nhập siêu tháng 5.2011, các thị trường truyền thống như Singapore, Trung Quốc vẫn là “địa chủ” cung hàng chủ yếu cho Việt Nam. Tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng 287%, Singapore tăng 66,8%...

Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đều cho rằng, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu nông sản, vật tư nông nghiệp cần phải có hàng rào kỹ thuật, không thể nhập khẩu ồ ạt những mặt hàng không thiết yếu như hiện nay.

Và để xử lý vấn đề nhập siêu liên quan đến mô hình phát triển kinh tế, cách thức đầu tư; liên quan đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; liên quan đến chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị của khu vực và thế giới, liên quan đến chính sách vĩ mô của Việt Nam.

Giải pháp cho vấn đề nhập siêu, đặc biệt là nhập siêu hàng nông sản, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: Những cái gì mình không cần nhập thì không nhập, nhưng như vậy mới chỉ là phòng thủ. Mà chúng ta phải tìm cách tấn công, cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước, đẩy lùi vấn nạn nhập siêu bằng cách đưa hàng hoá sản xuất trong nước dần dần chiếm lĩnh thị trường.

“Phải phân biệt cái nào nhập siêu do khách quan vì không có hàng hoá thay thế, cái nào nhập siêu do chủ quan vì tâm lý sính hàng ngoại để từ đó có cách ứng phó với từng vấn đề. Cái gì mình sản xuất được mà vẫn nhập cần xem lại vai trò của doanh nghiệp” - chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem