Các nhà hoạt động trong tổ chức Just Stop Oil, một nhóm đang tìm cách ngăn Chính phủ Anh cấp phép cho các dự án dầu khí mới, đã ném tương cà chua lên bức tranh Hoa hướng dương nổi tiếng của danh họa Vincent van Gogh tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London.
Những tiếng kêu thất thanh, tiếng hét "Ôi trời ơi!" vang lên thảng thốt trong phòng 43 của trung tâm trưng bày, khi hai người trẻ tuổi ủng hộ nhóm phản đối khí hậu ném chất lỏng màu đỏ lên bức tranh vào ngày 14/10 tại London.
Họ cởi áo khoác để lộ ra những chiếc áo phông in chữ Just Stop Oil trước khi dán mình vào bức tường bên dưới tác phẩm nghệ thuật. Bức tranh Hoa hướng dương là một trong những "kho báu" quan trọng nhất của phòng trưng bày.
Bức tranh "Hoa hướng dương" của Van Gogh bị phá hoại
"Điều gì đáng giá hơn, nghệ thuật hay cuộc sống?" Phoebe Plummer, một trong những nhà hoạt động, 21 tuổi, đến từ London cho biết. Người đi cùng cô là Anna Holland, 20 tuổi, đến từ Newcastle. "Nó có giá trị hơn thức ăn không? Hơn cả công lý? Bạn quan tâm hơn đến việc bảo vệ bức tranh hay việc bảo vệ hành tinh và con người của chúng ta?
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là một phần của cuộc khủng hoảng dầu mỏ, nhiên liệu quá đắt đỏ đối với hàng triệu gia đình đang trong tình cảnh đói lạnh. Họ thậm chí không đủ khả năng để hâm nóng một bát súp," cô nói.
Trong hai tuần qua, nhóm này đã tổ chức các cuộc biểu tình trên các con đường xung quanh trung tâm London. Họ chỉ ngồi đó và cản trở giao thông khiến các tài xế và người đi làm tức giận, nhưng hành động đổ súp cà chua lên tác phẩm nghệ thuật danh giá dường như là một chiến thuật mới.
Những người xem tranh tại Phòng trưng bày Quốc gia có cảm xúc lẫn lộn. Một người đàn ông từ chối cho biết tên của mình, nói rằng, anh có thể hiểu nguyên nhân của họ, nhưng lo lắng về việc họ chọn các mục tiêu "một tác phẩm nghệ thuật đẹp, là điều tốt nhất của loài người". Anh nói thêm: "Họ có thể đang cố gắng khiến mọi người suy nghĩ về các vấn đề, nhưng cuối cùng tất cả những gì họ làm là khiến mọi người thực sự khó chịu và tức giận.
Tôi nghĩ những người không quan tâm tới các vấn đề lớn của trái đất, thường lại không tới thăm những nơi như Phòng trưng bày Quốc gia."
Alex De Koning, người phát ngôn của Just Stop Oil, chia sẻ với The Guardian bên ngoài phòng trưng bày sau khi căn phòng được dọn sạch sẽ. "Đây không phải là gameshow The X Factor. Chúng tôi không cố gắng kết bạn ở đây, chúng tôi đang cố gắng tạo ra sự thay đổi, và rất tiếc đây là cách mà sự thay đổi xảy ra."
Hiện tại, Phòng trưng bày Quốc gia vẫn chưa công bố thiệt hại đối với bức tranh Hoa hướng dương, tuy nhiên, may mắn là tác phẩm được bảo vệ bởi một tấm kính chắn bên ngoài. Đây là điều mà tổ chức Just Stop Oil cho biết họ đã tính tới.
Cảnh sát đã bắt giữ hai người vì thiệt hại hình sự. Trong một dòng tweet từ tài khoản Metropolitan Police Events, lực lượng này cho biết: "Các cảnh sát đã nhanh chóng có mặt tại Phòng trưng bày Quốc gia sáng nay, sau khi hai người biểu tình Just Stop Oil ném một hợp chất lên một bức tranh và sau đó dán mình vào tường. Cả hai đều đã bị bắt vì hành vi xâm phạm. Các cảnh sát hiện đang tiếp tục điều tra."
Trong những năm gần đây, Bảo tàng Anh, Bảo tàng Khoa học và nhóm bảo tàng nghệ thuật Tate đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối việc họ chấp nhận tài trợ từ các công ty dầu mỏ. Nhưng các nhà hoạt động tự dán mình vào các tác phẩm nghệ thuật là một chiến thuật mới.
Sarah Pickard, một giảng viên tại Đại học Sorbonne Nouvelle ở Pháp, người đã nghiên cứu về Extinction Rebellion và các nhánh liên quan cho biết, các bảo tàng không phải là mục tiêu chính để quảng bá thông tin của họ. Toàn bộ chiến lược là thực hiện hành động thu hút sự chú ý của giới truyền thông, "sau đó chuyển sang các hành động tiếp theo để tạo ra sự nổi bật", cô nói.
Pickard cho biết, những người phản đối có thể nói họ có lý do để nhắm mục tiêu vào các bức tranh cụ thể, nhưng cô nói lựa chọn của họ phần lớn là "không liên quan", bởi vì "mục đích là để tạo sự chú ý", từ đó tạo ra cuộc thảo luận về những gì họ coi là một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Pickard nói thêm rằng, các sự kiện ở Anh có khả năng bị sao chép ở nơi khác vì những người biểu tình ở Pháp đã sao chép các hành động của Anh trước đây.
Tại bảo tàng Louvre ở Paris vào tháng 5, một người đàn ông đánh kem lên tấm kính bảo vệ Mona Lisa sau đó hét lên rằng anh ta đang hành động chống lại "những người đang phá hủy hành tinh".
Mel Carrington, phát ngôn viên của Just Stop Oil cho biết, việc nhắm mục tiêu vào các bảo tàng là một cách "gây áp lực tâm lý lên Chính phủ" công khai. Bà nói, cuộc biểu tình bên cạnh tranh của Van Gogh đã nhận được tin tức trên toàn thế giới, trong khi các hành động trước đó tại các bến dầu thì không. Carrington cho biết, những người biểu tình không bận tâm nếu mọi người không thích hành động của họ, họ không có ý định tìm bạn bè.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.