Buộc dùng nông sản GAP: Bên bán, bên mua đều chưa sẵn sàng

Thứ tư, ngày 11/04/2012 15:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đề xuất của Bộ NNPTNT bắt buộc các siêu thị, nhà hàng, khách sạn phải tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch có ý nghĩa như một cách “cứu GAP", trong bối cảnh nông dân sản xuất nông sản sạch vẫn tắc đầu ra...
Bình luận 0

Người tiêu dùng thích rẻ

Chợ Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) có gần 20 quầy bán rau, quả nhưng chỉ vài quầy bán sản phẩm đóng gói có mã số, mã vạch. Chị Nguyễn Thị Lan - một người bán rau, quả 10 năm ở chợ nói: “Tôi lấy hơn 20kg bưởi da xanh và xoài sạch cả mấy ngày rồi, nhưng bán chưa hết. Đa số khách hàng ở đây, cứ thấy rẻ là mua, còn những loại quả sạch này giá lại cao”. Theo quan sát của chúng tôi, các loại rau, quả “trần” không đóng gói, không có mã vạch ở đây được tiêu thụ rất mạnh, đặc biệt là các hàng “cóc” ven đường.

img
Nhiều người tiêu dùng thích mua rau, quả bán rong dù không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.

Tại nhiều siêu thị, nông sản tiêu chuẩn VietGAP chỉ chiếm một phần nhỏ trên các quầy hàng với giá cao hơn rau “thường” từ 1,5 – 2 lần. Ông Nguyễn Văn Thắng- Trưởng phòng Kinh doanh siêu thị Fivi Mart (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Chúng tôi rất muốn mua các loại rau, củ, quả an toàn để bán, song những mặt hàng này thường cao hơn vài giá. Do đó, theo tôi nghĩ để đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm VietGAP, một mặt Nhà nước cần mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế dần sản xuất truyền thống, một mặt trợ giá cho các sản phẩm VietGAP để từng bước tạo thói quen đối với người tiêu dùng”.

Anh Khánh - quản lý của nhà hàng Hải Xồm trên đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy (Hà Nội) bày tỏ: “Tôi đồng tình với việc đưa hàng chất lượng vào các nhà hàng, khách sạn, nhưng cần phải có lộ trình, áp dụng từng bước, đùng một cái “đập” vào ngay thì rất khó cho chúng tôi”.

Cần trợ giá nông sản sạch

Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: “Việc buộc các siêu thị phải tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP là không thể thực hiện được. Lý do là, các siêu thị hiện nay đều "giữ thế", chỉ cho khách hàng ký gửi hàng hóa, không bán hết thì được trả về, trong khi người bán chỉ muốn bán luôn”.

Ông Phạm Đồng Quảng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Việc nông dân xin ra khỏi GAP không phải chủ yếu là do những khó khăn trong việc xây dựng thị trường tiêu thụ. Để giải quyết vấn đề tiêu thụ, một mình Bộ NNPTNT không làm được, mà cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp bán lẻ. Chúng ta cần tổ chức lại thị trường, đặc biệt là hệ thống bán lẻ theo hướng khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nông nghiệp an toàn được chứng nhận, có nguồn gốc rõ ràng”.

Mặt khác, theo ông Phú, giá thành của các sản phẩm VietGAP thường cao, nên rất khó tiêu thụ. Ngoài ra, bản thân người tiêu dùng cũng chưa quan tâm nhiều tới sản phẩm sạch để bỏ ra nhiều tiền hơn để mua sản phẩm VietGAP.

Chính vì thế, ông Phú kiến nghị: “Để các siêu thị tiêu thụ được sản phẩm VietGAP, Nhà nước phải có chính sách hợp lý như bỏ hết các loại thuế, phí với sản phẩm này, để giá thành sản phẩm hạ xuống. Đồng thời, cấp không nông dân thuốc trừ sâu tốt, tạo ra chuỗi sản xuất- phân phối, tức là người trồng sản phẩm sạch góp cổ phần trong siêu thị, lợi nhuận thu được cùng chia”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem