Cá đục khô Quan Lạn

Thứ ba, ngày 09/02/2016 07:41 AM (GMT+7)
Từ một loại hải sản khá phổ biến ở vùng biển Quảng Ninh, cá đục đã được người dân xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn) chế biến thành loại sản phẩm khô được người dân, du khách yêu thích. Hiện cá đục khô Quan Lạn đã được sản xuất tập trung để nâng cao chất lượng và đăng ký là sản phẩm OCOP...
Bình luận 0

Cá đục là loại cá sống gần bờ biển, ở các bãi ngang, các chương cát v.v.. Cá đục thân nhỏ, thon, dài từ 10-15cm. Với đặc thù có nhiều bãi, chương cát rộng, biển Quan Lạn là môi trường lý tưởng cho cá đục sinh trưởng và phát triển.

img

Cá đục khô Quan Lạn (Vân Đồn).

Cá đục ở Quan Lạn có thể được đánh bắt quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa hè (từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm). Cá đục Quan Lạn to, thịt trắng, chắc khi phơi khô có vị thơm ngon, dai và bùi. Vào chính vụ, mỗi ngày ngư dân có thể đánh bắt tới gần tạ cá tươi. Do sản lượng cá đục khai thác khá lớn, thông thường sau khi đánh bắt, một phần chúng được đem bán, thu gom xuất khẩu, phần còn lại được người dân chế biến mắm cá hoặc phơi khô dùng dần trong năm.

Từ năm 2005 khi du lịch phát triển, nhiều du khách tới tham quan đảo thích tìm mua cá đục khô. Và có cầu thì ắt có cung, người dân tập trung chế biến cá đục phơi khô để bán và đưa cả vào trung tâm huyện tiêu thụ...

Nghề đánh bắt, chế biến cá đục phơi khô bán cho du khách từ đó phát triển. Ông Đinh Trung Kiên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu, đầu ra ổn định cho sản phẩm, đầu năm 2014, huyện Vân Đồn đã tiến hành đăng ký sản phẩm cá đục khô là sản phẩm OCOP của huyện với thương hiệu sản phẩm hải sản khô Vân Đồn. Đồng thời, huyện cũng tiến hành hỗ trợ các phương tiện, máy móc phơi sấy, tủ bảo ôn, bao bì… phục vụ dây chuyền sản xuất sản phẩm này.

Tháng 11-2014, Hợp tác xã Làng Vân (thôn Bấc, xã Quan Lạn) được thành lập với 10 hộ thành viên, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất tập trung, cải tiến chất lượng sản phẩm. Cùng với các sản phẩm khô như: Mực, sá sùng v.v.., sản phẩm cá đục cũng được chuẩn hoá hơn về quy trình sản xuất.

Theo đó, sản phẩm được HTX thu mua về rửa làm sạch, ngâm nước muối rồi đưa đi sấy hoặc ra phơi từ 2-4 ngày tuỳ vào cường độ nắng. Nhờ được đầu tư máy móc, chất lượng sản phẩm được cải thiện đáng kể, sản phẩm bán cũng rất được giá, từ 300.000-320.000 đồng/kg tuỳ kích cỡ. Hàng năm, trung bình sản lượng tiêu thụ của HTX đạt từ 4-5 tấn cá khô/năm, thu nhập của xã viên đạt trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, cho tới thời điểm hiện tại, HTX vẫn còn gặp một số khó khăn. Chị Châu Thị Minh Hậu, Chủ nhiệm HTX Làng Vân (thôn Bấc, xã Quan Lạn) chia sẻ: Hiện tại HTX đang thiếu nơi trưng bày giới thiệu sản phẩm và mặt bằng sản xuất. Bởi lẽ đặc thù sản xuất mặt hàng này là cần nhiều diện tích để phơi, chế biến sản phẩm.

Ngoài ra, việc sản xuất mặt hàng này đòi hỏi nhiều vốn đầu tư ban đầu để gom, mua sản phẩm tươi, đầu tư máy móc thiết bị để bảo quản sản phẩm, máy móc để phơi sấy sản phẩm khi không thể phơi sấy tự nhiên... Đây là mặt hàng bán chạy, là đặc sản địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân, cho thu nhập khá. Chính vì thế chúng tôi mong rằng các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển tốt hơn…

Tạ Quân (Báo Quảng Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem