Xóm Hồi Trinh đang có 30 ha thả, trồng loài rau nhút ngon nức tiếng. Rau nhút đã mang lại cuộc sống ấm no cho gần 20 hộ dân chuyên canh loại rau đặc sản lớn nhanh như thổi này. Nhiều người không quá lời khi gọi xóm Hồi Trinh là “vương quốc” rau nhút.
Dân ấp Hồi Trinh tất bật thu hái rau nhút giao cho thương lái. Ảnh: Thành Hiệp.
Dễ trồng, dễ chăm, giá bán ổn định
Ông Nguyễn Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp phấn khởi kể: “ Đây là vùng đất rất phù hợp với rau nhút nên cho năng suất cao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Từ đó rau nhút Hồi Trinh đã có mặt thường xuyên tại thị trường TP. HCM, khắp tỉnh Vĩnh Long và một số tỉnh lân cận”.
Người dân xóm Hồi Trinh nhiều năm nay phấn khởi bởi ăn nên làm ra nhờ thả rau nhút.
Theo những hộ dân chuyên canh rau nhút xóm Hồi Trinh cho biết, trồng rau nhút khá đơn giản không đòi hỏi kỹ thuật cao. Người trồng thường thả rau nhút quanh năm trên các mặt ao hồ hoặc trên ruộng có đắp đê giữ nước. Trước đây gốc rau được cắm thẳng xuống nền ruộng nhưng sau đó đã được cải tiến bằng cách cho bộ rễ nổi trên mặt nước và cố định vào hệ thống ống cao su tạo hình ảnh rất độc, lạ, bắt mắt, vừa tạo cảnh đẹp, ấn tượng lại làm ra tiền.
Ông Phan Văn Sỏi, 47 tuổi người đầu tiên sáng tạo ra cách làm nầy giải thích: “Trồng rau nhút kiểu mới này rất đảm bảo môi trường nước vì bộ rễ cây sẽ làm sạch nguồn nước trong ruộng. Cạnh đó, việc chăm sóc, thu hoạch rau nhút sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nên tiết kiệm chi phí thuê mướn người thu hoạch. Khi muốn cắt bỏ rau cũ để thay lượt rau mới cũng rất nhanh, gọn, không mất nhiều thời gian”.
Một ao rau nhút rộng mênh mông của gia đình ông Phan Văn Sỏi.
Từ cách làm độc đáo của ông Sỏi, đã có rất nhiều địa phương trồng rau nhút truyền thống cũng đã chuyển sang cách làm của nông dân ấp Hồi Trinh và đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Bà Lê Thị Tố, ngụ xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Từ khi trồng rau nhút theo cách “trở gốc lên trời” của người dân ấp Hồi Trinh, xã Xuân Hiệp, năng suất rau nhà tui tăng hơn 20%, chất lượng rau tươi tốt hơn, màu sắc bắt mắt hơn. Cạnh đó chí phí đầu tư trồng rau nhút tiết kiệm hơn trước từ 20 đến 25%”.
Rau nhút đưa lên bờ ao, bờ ruộng là đã có thương lái chờ sẵn để cân mang đi tiêu thụ.
Theo nhiều người trồng rau nhút lâu năm tại ấp Hồi Trinh "bật mí", ruộng trồng rau nhút phải có độ sâu tối thiểu từ 4 đến 5 cm. Để trồng rau nhút phát triển nhanh, năng suất cao, trước hết người ta chọn những gốc rau khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, mỗi đoạn dài chừng 3 đến 4 cm buộc cố định vào những cây trúc, tre, nhựa để giữ không cho trôi.
10 công rau nhút lời nửa tỷ đồng/năm
Sau 30 ngày, rau nhút sẽ tự phát triển, bò lan khắp mặt nước. Cứ 15 đến 20 ngày, người trồng rau nhút sẽ cắt một lần, giá bán duy trì ổn định nhiều năm qua từ 13.000 đến 15.000đ/ký. Những lúc cao điểm như lễ, tết giá bán lên đến 20.000 đồng/ký. Tuy nhiên vào những lúc mưa dầm giá sẽ xuống thấp từ 9.000 đến 10.000 đồng/ký. Điều đáng mừng là dù giá thấp như vừa nêu thì người trồng loài rau lớn như thổi này vẫn không bị lỗ vốn. Sau khi thu hoạch ra nhút phải chủ động thay đổi nguồn nước để tránh sâu bệnh và ô nhiễm nguồn nước.
Trên các ruộng cao, người dân ấp Hồi Trinh đắp bờ đê, bờ bao tích nước vào và thả rau nhút. So với làm lúa và rau màu khác, rau nhút cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần mà lại không lo dội chợ, được mùa mất giá.
Ông Phan Văn Sành, 51 tuổi, người đã có trên 10 năm gắn bó với loại rau nhút cho biết thêm: “Rau nhút hiện có 2 loại nhưng ít người biết đến. Loại thứ nhất là rau nhút có màu trắng (còn gọi là loại năng suất cao); loại thứ hai có màu đỏ (còn gọi là năng suất thấp). Nhà tôi có 10 công rau nhút trắng, mỗi công cho thu nhập xấp xỉ 5 tấn mỗi năm. Với giá bán bình quân 13.000 đồng/ký, mỗi công sau khi trừ hết chi phí còn lãi khoảng 50.000.000 đồng/năm. Tính chung tôi có lãi khoãng nửa tỷ đồng mỗi năm từ rau nhút, cao hơn gấp nhiều lần so với làm lúa...”.
Không chỉ làm giàu cho người trồng rau nhút, loại rau này còn giúp cho hàng chục lao động tại chỗ có việc làm quanh năm với giá được trả là 200.000 đồng/lao động nam; 180.000 đồng/lao động nữ. Rau nhút vào mùa lạnh mỗi lần thu hoạch cách nhau 20 ngày; mùa nóng cách nhau 15 ngày. Bà Huỳnh Thị Thu, 55 tuổi ngụ ấp Hồi Trinh cho biết: “ Nhà tôi không có ruộng đất, hai mẹ con tôi làm công cho các hộ trồng rau mỗi ngày cũng có trên 300.000.000 đồng lại có việc quanh năm, kể cả ngày lễ, tết”.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp nói thêm: “ Đây là cây làm giàu của người dân Hồi Trinh. Từ đó diện tích trồng ngày càng tăng bởi hiệu quả kinh tế mang lại rất cao và bền vững. Thổ nhưỡng tại đây rất phù hợp với loại rau nhút. Sắp tới chúng tôi sẽ vận động người dân nhân rộng mô hình này phù hợp với nhu cầu tiêu thụ tại thị trường...”. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.