Phát huy thế mạnh
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Bắc Sơn cho biết: “Nghề trồng chè có ở xã Bắc Sơn từ những thập niên 70 của thế kỷ trước. Với địa hình bán sơn địa, nhiều gò đồi, chất đất nơi đây rất thích hợp cho việc trồng chè. Hiện, toàn xã có gần 3.300 hộ dân thì có tới hơn 1.500 hộ trồng chè với tổng diện tích gần 400ha, trong đó có 350ha chè đang cho thu hái”.
Hội viên HTX nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn đang sao chè. Ảnh: Đức Thịnh
Cũng theo ông Hồng, trước đây, các hộ trồng chè theo phương pháp truyền thống (gieo trồng bằng hạt), bán sản phẩm thô chưa qua sơ chế dẫn đến sản phẩm làm ra không có thương hiệu, phải bán với giá thành thấp. Với mục đích phát huy thế mạnh của xã đối với cây chè, Hội ND xã đã tổ chức các lớp dạy nghề trồng và chế biến chè an toàn từ nhiều năm. Nhưng phải đến năm 2012, khi Hội ND xã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn và giao nhiệm vụ chuyên trách này cho HTX, bà con mới chính thức thực hiện theo mô hình VietGAP – trồng chè sạch.
"Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khép kín từ trồng, chăm sóc, đến sao, hái, đóng gói nên sản phẩm chè sạch của của người dân xã Bắc Sơn được đánh giá cao. Đầu ra cho cây chè sạch đã dễ dàng hơn rất nhiều, giá bán cũng cao hơn nên đời sống ND ngày càng khấm khá...”.
Ông Nguyễn Hữu Hồng – Chủ tịch
Hội ND xã Bắc Sơn
|
Chị Đào Thị Quý – Chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn cho biết, hàng năm, HTX phối hợp Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội, Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư phát triển cây chè tổ chức dạy nghề, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè an toàn. Ngoài ra, HTX còn cung ứng giống, xây dựng nhãn hiệu “Chè sạch Bắc Sơn” và bao tiêu sản phẩm cho ND. Hiện, HTX đang quản lý 100 hộ với 30ha chè an toàn và 10ha chè VietGAP.
Vì người vì mình
Tính đến nay, gia đình chị Nguyễn Thị Huyền (thôn Phúc Xuân) đã có hơn 40 năm trong nghề trồng chè. Chị Huyền bảo, với diện tích 2 mẫu, trước đây chị trồng chè bằng hạt, sau khi hái về thường sơ chế rồi bán ở các chợ phiên. Do vậy, giá chè chỉ đạt 100.000 đồng/kg, lời lãi thấp.
Năm 2012, chị Huyền đã dành ra 7 sào để tham gia mô hình trồng chè VietGAP. Được dạy nghề, tập huấn quy trình trồng chè VietGAP, chị Huyền và các hộ trồng chè trong xã đã thay đổi thói quen về thu hái và chăm sóc chè. “Tôi đã biết ghi chép nhật ký chăm sóc hàng ngày; phun thuốc trong danh mục cho phép, phun đúng liều, đúng lứa, đúng thời gian cách ly; dùng phân sinh học bón cho chè… Cầu kỳ, cẩn trọng là thế mới ra được sản phẩm chè sạch. Điều vui hơn cả là trồng chè VietGAP đảm bảo sức khỏe mà năng suất và giá thành sản phẩm tăng rất nhiều. Giá bán dao động từ 200.000- 400.000 đồng/kg chè khô” - chị Huyền thổ lộ.
Chị Huyền cho biết, trung bình mỗi tháng chị thu 2 lứa chè, năng suất bình quân đạt 60 - 80kg chè tươi/sào/tháng (khoảng 26kg chè sao khô/tháng). Tổng cộng mỗi năm chị thu hoạch gần 3 tạ chè sao khô, thu lãi 60 - 70 triệu đồng/năm.
Còn anh Đặng Văn Thảo – người trồng chè xã Bắc Sơn cho rằng, tham gia trồng chè theo quy trình VietGAP, người dân đã biết liên kết, hỗ trợ nhau nhiều hơn. “Các thành viên nhiều kinh nghiệm làm chè đã góp ý với nhau để sao mẻ chè đạt chất lượng. Hay việc bón phân cho chè phải đúng thời điểm chè “nứt mắt” (khoảng 20 ngày sau khi hái) sẽ cho hiệu quả tốt nhất. Trong tổ sản xuất VietGAP, những thành viên làm chè giỏi thường bán sản phẩm được giá cao hơn những hộ khác từ 30.000 – 50.000 đồng/kg, nhưng không vì thế mà những thành viên này giấu nghề. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để các hội viên khác nâng cao chất lượng và giá bán chè./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.