Người làm nên thương hiệu chè sạch

Thứ bảy, ngày 28/07/2012 15:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có thành tích “đặc biệt xuất sắc” trong việc nâng cao chất lượng chè sạch, ông Nguyễn Văn Hoàn - cựu chiến binh thôn Tiền Phong (Yên Sơn, Tuyên Quang) được người dân nơi đây mến gọi là “Hoàn chè”.
Bình luận 0

Chế tạo máy hút sâu

Nhà ông Hoàn ở giữa một quả đồi cao, xung quanh là những nương chè xanh ngát, ngút tầm mắt. Tiếp chúng tôi, ông mời chén trà vườn nhà mới sao. Tôi nhấp một ngụm mà vị ngọt mát cùng với hương thơm đậm đà của trà như làm dịu đi cái nắng oi bức giữa trưa hè. Bên ấm trà, câu chuyện trồng chè của ông Hoàn hiện về rõ nét.

img
Ông Nguyễn Văn Hoàn đang hút sâu chè bằng máy do mình sáng chế. Thu Hằng

Sinh năm 1960, năm 1983, chàng trai Nguyễn Văn Hoàn lấy vợ, một năm sau anh nhập ngũ, thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 266, Sư đoàn 313 (Quân khu 2). Năm 1987 ra quân về địa phương, ông Hoàn tham gia công tác xã hội ở xã, năm 1991 ông nhận khoán 14ha đất trồng chè và đất đồi của Nông trường Chè Tháng 10 (nay là Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm) đã bị bỏ hoang. Vợ chồng bỏ công sức phát quang, cải tạo, trồng mới lại nương chè, sau 3 năm cây chè cho thu hoạch nhưng sản lượng thấp.

Ông Nguyễn Văn Hoàn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước (2005 – 2009); Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất giỏi 5 năm (2004 – 2008). Sáng chế máy hút sâu chè của ông đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 3 năm 2008 – 2009. Năm 2011, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn đoạt giải Bạc trong Hội thi “Cây chè đẹp” tại Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên.

Nhiều người lúc đó khuyên ông nên từ bỏ cây chè mà tìm một cái nghề nào đó phù hợp để nuôi sống gia đình. Nhưng bản chất người lính Cụ Hồ trong ông không cho phép ông lùi bước. Qua nghiên cứu, ông phát hiện ra cây chè có búp ít vì thiếu nước.

Ông đã đi tìm nguồn nước rồi bắc máng cho nước chảy từ đỉnh núi xuống các bể lớn, sau đó phân phối tới các nương chè. Tuy sản lượng vụ sau tăng cao hơn vụ trước nhưng các nương chè của ông lại bị sâu bệnh hoành hành.

Lên nương chè tìm hiểu, ông Hoàn thấy, khi chè chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch cũng là lúc các loại sâu bệnh phát triển mạnh. Ông thử làm một thí nghiệm nhỏ, đó là đặt chiếc quạt bàn chạy bằng điện ắc quy 12V phía dưới gốc chè, khi quạt quay, luồng gió hất tung nhiều con sâu lên cao.

Từ đó ông cho rằng, cần phải có một loại máy tạo ra một luồng gió hút theo chiều từ dưới lên sẽ bắt được toàn bộ côn trùng trên thân và ngọn cây chè. Ông đi tìm mượn sách, tài liệu và mua một số động cơ cũ về nghiên cứu.

Qua nhiều đêm thức trắng mày mò, ông Hoàn đã có bản vẽ cấu tạo máy hút sâu chè hoàn chỉnh. Sau khi mua một số động cơ cháy về cuốn lại theo đúng ý định, ông tìm đến các xưởng cơ khí trên địa bàn thuê làm cánh quạt và các bộ phận khác của máy nhưng mọi người đều từ chối giúp đỡ, vì họ không hiểu cái bản vẽ nhằng nhịt của ông định nói gì.

Điều đó bắt buộc người cựu chiến binh này phải tầm sư học đạo để trở thành thợ hàn, thợ tiện trước khi thành nhà sáng chế.

Trở thành “nhà sáng chế”

Sau một năm nghiên cứu, chế tạo, vượt qua bao lời tiếng thị phi, chiếc máy hút sâu mang thương hiệu Nguyễn Văn Hoàn đã ra đời, nhưng khi mang ra nương chè thử nghiệm thì hiệu quả không cao, máy hút được sâu như?ng cũng hút luôn cả... búp chè.

Khi nghiên cứu lại, ông phát hiện cánh quạt có độ cong không phù hợp, nên không tạo ra lượng gió xoáy êm cần thiết. 3 tháng điều chỉnh máy hút đã cho hiệu quả, toàn bộ sâu trên thân và lá chè đã được tách rời khỏi cây mà không ảnh hưởng tới búp. Toàn bộ chi phí để chế tạo máy hút sâu hết gần 500.000 đồng, bằng 1/4 số tiền mua 1 chiếc máy phun thuốc trừ sâu.

Nhưng điều ông Hoàn cũng như người dân ở đây tâm đắc đó là quá trình dùng máy hút sâu trên 1ha chè đúng bằng thời gian dùng máy phun thuốc hóa học mà chi phí mua nhiên liệu lại rẻ hơn nhiều lần chi phí mua thuốc; sử dụng máy lại không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra chè sạch, có lợi cho cộng đồng.

Năm 2008, ông Hoàn tiếp tục cho ra lò máy cày kết hợp với bón phân vô cơ. Thường thì người dân ở thôn Tiền Phong vẫn sử dụng phương pháp truyền thống là cuốc rãnh bên cạnh cây, bỏ phân và lấp đất.

Phương pháp đó tốn rất nhiều công, để tăng năng suất lao động, ông Hoàn đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy cày mi ni kết hợp với bón phân vô cơ hoạt động theo phương thức liên hợp “hai trong một”, đó là toa ống dẫn phân hóa học được thông với đế lưỡi cày theo thể thức xoắn ruột mèo. Khi đất được lưỡi cày lật lên cũng là lúc phân được đẩy xuống một lượng nhất định bằng một cữ cụ thể. So với phương pháp truyền thống, máy cho năng suất lao động tăng 300%.

Cuối năm 2009, ông Hoàn tiếp tục sáng chế thành công máy hái chè mi ni cho một người sử dụng nhưng hiệu quả công việc bằng 10 người làm. Đầu năm 2010, ông lại cải tiến thành công máy phát cỏ thành máy đốn chè.

Các công đoạn trồng, chăm sóc và thu hoạch chè được tiến hành bằng máy do ông thiết kế đã tiết kiệm rất lớn chi phí và công lao động. Năng suất chè búp trung bình đạt 30 tấn/ha (cao gấp 4 lần năng suất trung bình của tỉnh Tuyên Quang). Từ năm 2007 đến nay, tổng sản lượng chè gia đình ông đạt khoảng 420 tấn/14ha, trừ các khoản chi phí, lãi khoảng 750 triệu đồng/năm.

Vì thương hiệu chè sạch

Năm 2009, tiền lãi thu được từ trồng chè, ông đã xây ngôi nhà 3 tầng khang trang và giúp đỡ 11 hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn Tiền Phong, Hội Cựu chiến binh xã Phú Lâm 650 triệu đồng (bằng hình thức cho vay không lấy lãi) để phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tới nay cả 11 gia đình này đều đã trở thành hộ giàu, hộ khá.

Khi biết ông là người trồng chè đạt năng suất cao của tỉnh Tuyên Quang, bà con trong xã và nhiều vùng trồng chè trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm và công nghệ. Ông Hoàn tận tình hướng dẫn và gia công chế tạo máy hút sâu chè, máy cày kết hợp với bón phân cho nhiều gia đình sử dụng mà không đòi hỏi tiền thù lao.

Tuy nhiên, vì sản xuất thủ công nên làm ra một sản phẩm tốn rất nhiều thời gian, trong khi nhu cầu sử dụng máy móc của người trồng chè rất lớn nên ông Hoàn muốn hiến tặng toàn bộ những sáng chế của mình cho Nhà nước. Qua đó, ông mong muốn các nhà máy, công ty, doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất các loại máy này bán ra thị trường tự do với giá rẻ phục vụ người trồng chè, để bà con chuyên tâm sản xuất chè sạch, đẩy lùi những tác động ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem