Nghề của nông dân thiếu đất
Nghề nuôi cá lồng trên sông Son đã giúp người nông dân thiếu đất ở Sơn Trạch giải quyết việc làm, thoát nghèo. Ảnh: P.P
Hội thi cá lồng nuôi trên sông Son là hoạt động có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, tôn vinh những người nông dân nuôi cá giỏi, đồng thời quảng bá sản phẩm cá lồng sông Son - một thương hiệu độc đáo của Quảng Bình nói chung và Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng nói riêng”.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch
|
Là xã nằm ở vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nhưng một thời gian dài, Sơn Trạch được mệnh danh là xã “lâm tặc” vì người dân chủ yếu sống dựa vào rừng do thiếu đất sản xuất. Sau khi Phong Nha- Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới, một bộ phận nhỏ người dân Sơn Trạch chuyển sang làm các dịch vụ du lịch, thế nhưng vẫn có một phần lớn nông dân của xã thiếu công ăn việc làm vì thiếu đất, thiếu vốn, thiếu trình độ…
Để giải quyết công ăn việc làm cho bà con nông dân thiếu đất, năm 2000 chính quyền địa phương huyện Bố Trạch đã có đề án khuyến khích bà con nông dân thiếu đất ở các xã dọc sông Son như Sơn Trạch, Hưng Trạch, Liên Trạch… phát triển nghề nuôi cá lồng. Ở thời điểm đó, cũng chỉ có một số hộ dân ở Sơn Trạch manh nha nuôi cá lồng, vì đây là một nghề mới, người dân còn rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, từ quy mô nhỏ lẻ ban đầu đó, hiện nay nghề nuôi cá lồng trên sông Son đã phát triển mạnh với khoảng 350 hộ với hàng trăm lồng cá, tập trung chủ yếu ở các thôn: Xuân Tiến, Na, Trằm Mé…
Nhờ nghề nuôi cá lồng mà nhiều hộ nông dân ở Sơn Trạch trước đây có cuộc sống khó khăn vì thiếu đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm nay đã có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu. Ở Sơn Trạch, ông Nguyễn Văn Mẹo được coi là một trong những người tiên phong và là tấm gương điển hình trong việc nuôi cá lồng trên sông Son. Từ nghề nuôi cá lồng trên sông, mỗi năm gia đình ông thu về từ 40-50 triệu đồng.
Trước đây, người dân Sơn Trạch nuôi cá lồng cũng chỉ nuôi được các loại giống cá truyền thông như cá trắm cỏ, cà mè, cá rô phi… nhưng mới đây một số hộ dân ở đây đã tìm tòi và nuôi thành công cá chình, một loại cá “đặc sản” ở miền di sản Phong Nha – Kẻ Bàng nhưng đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên vì nạn khai thác tận diệt. Người được đánh giá là thành công nhất với việc nuôi cá chình trên sông Son là ông Hoàng Văn Thái (62 tuổi) ở thôn Xuân Tiến.
Theo ông Thái, ý tưởng nuôi cá chình đã được ông nhen nhóm từ khá lâu khi nhìn thấy những con cá chình bé tý người ta bán lẫn trong mớ cá đánh bắt được trên sông Son. Thế nhưng, mãi đến cuối cuối năm 2011, khi xã Sơn Trạch tổ chức đoàn cán bộ chủ chốt của xã cùng một số hộ điển hình trong nuôi cá lồng (ông Thái là 1 trong 2 người được mời) đi tham quan mấy mô hình nuôi cá chình ở TP.Huế và xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, ý tưởng mới thành hiện thực.
Sau chuyến đi, ông Thái chính thức bắt tay vào nuôi cá chình, lúc ấy là đầu năm 2012. Cá chình không tạp ăn như cá trắm, cá mè, rô phi; thức ăn của cá chình là những loại khó kiếm như giun đất, cua đồng, ếch nhái và đặc biệt là cá chỉ ăn thức ăn trong ngày chứ không dùng thức ăn để lâu. Lồng nuôi cá chình được hàn bằng kẽm nguyên tấm dày, xung quanh lồng được khoan nhiều lỗ tròn, to bằng đầu chiếc đũa ăn cơm bởi cá chình là giống ưa sống trong tối. Hiện gia đình ông Thái nuôi 3 lồng cá chình mỗi năm ông thu lãi hơn 100 triệu đồng…
Nuôi cá phục vụ du lịch
Ngoài giống cá trắm cỏ truyền thống, hiện người dân đã nuôi được cá chình, một đặc sản ở miền di sản Phong Nha – Kẻ Bàng. Ảnh: P.P
Trước đây, đời sống của nhân dân xã Sơn Trạch gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, nhiều tour, tuyến du lịch được mở ra bà con đươc tạo công ăn việc làm như chạy thuyền du lịch, chụp ảnh và kinh doanh buôn bán. Đặc biệt, để phục vụ cho du khách, bà con nông dân nơi đây đã tiếp tục mở rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông Son.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch cho biết, theo đánh giá của khách du lịch, các loại cá lồng nuôi trên sông Son khá ngon. Ngoài cá chình là một loại cá đặc sản ở vùng di sản này, các loại cá khác, đặc biệt là cá trắm nuôi trong lồng, được thả trên sông Son nơi có nguồn nước sạch và được cho ăn các loại rong, tảo, phù du lấy từ lòng sông nên chẳng khác gì cá tự nhiên. Thịt cá trắm đã trở thành thương phẩm, chế biến được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng và đã trở thành “đặc sản”, mang thương hiệu của vùng sông nước Phong Nha - Kẻ Bàng.
Mặc dù nuôi cá lồng trên sông Son đã trở thành một nghề mưu sinh chính đối với nhiều hộ gia đình nông dân ở xã Sơn Trạch, nhưng vẫn còn đó những trăn trở chưa dễ giải quyết. Câu hỏi được đặt ra với nhiều hộ nuôi cá là làm sao để tìm được đầu ra ổn định và biến nó thành một làng nghề truyền thống mang đặc trưng riêng có của Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng. Chia sẻ với những trăn trở của người dân địa phương, đồng thời nhằm tôn vinh những người nông dân nuôi cá giỏi, vừa qua, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã có sáng kiến phối hợp với UBND xã Sơn Trạch tổ chức Hội thi cá lồng nuôi trên sông Son. Hội thi này sẽ được duy trì tổ chức vào mùa du lịch hàng năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.