Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình bố trí dân các vùng; thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020"; đến nay tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn còn không ít hạn chế nhất định.
Trong việc thực hiện trách nhiệm của tỉnh tại Khoản 2 Điều 5 của Quyết định 1776, Cà Mau đã đưa ra mục tiêu bố trí ổn định về việc hình thành 35 cụm, tuyến dân cư mới thuộc 8 huyện trong tỉnh, với số lượng dân cư bố trí, sắp xếp lại 13.873 hộ dân; quy mô diện tích quy hoạch tổng số 2.728,79 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch dân cư là 940,54 ha, và diện tích đất bố trí sản xuất là 1.788,25 ha; tổng nguồn vốn thực hiện là 425 tỷ đồng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, cùng sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, và sự phối hợp của các sở, ban, ngành có liên quan đã đem lại những kết quả khả quan, góp phần ổn định đời sống cho 1.619 hộ dân, với hơn 6.700 nhân khẩu. Đồng thời đã đáp ứng một phần nhu cầu đất ở cho hộ gia đình vùng nguy cơ sạt lở đất, dân di cư tự do, hộ sinh sống trong rừng phòng hộ trong tỉnh…
Từ đó góp phần làm cho đời sống của nhân dân ở các vùng tái định cư được ổn định, ngày càng được nâng cao, trật tự xã hội được đảm bảo, vệ sinh môi trường ngày càng được cải thiện.
Ông Tô Văn Phết – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án công trình NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết, theo quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2006 – 2015 được xây dựng từ năm 2006, sau 14 năm triển khai thực hiện đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chương trình này đến nay còn nhiều hạn chế như: Các vấn đề về mặt nội tại của quy hoạch cũ còn khá lớn, gây khó khăn trong thích ứng sinh kế.
Hay, vị trí xây dựng một số điểm bố trí dân cư chưa phù hợp với tập quán, điều kiện sản xuất của người dân; đặc biệt là đối với các hộ sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản; nhu cầu di dân, đối tượng theo quy hoạch là không phù hợp với tình hình thực tế do nhiều tác động, thay đổi bên ngoài…
"Cái khó khăn nhất là nguồn lực thực hiện, do địa phương là tỉnh nghèo nên việc bố trí ngân sách để thực hiện công tác này còn rất hạn chế so với yêu cầu thực tế. Hàng năm, ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh chỉ bố trí được một phần nhỏ từ nguồn vốn xổ số kiến thiết, do đó kinh phí thực hiện các dự án phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương", ông Phết nói.
Trong thời gian tới, tỉnh còn có nhu cầu bố trí ổn định dân cư cho 2.738 hộ dân thuộc các huyện Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và huyện Trần Văn Thời.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau để đạt được kế hoạch đề ra, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh cần tranh thủ các nguồn vốn khác để bố trí thực hiện đầu tư các dự án tái định cư một cách đồng bộ; tránh tình trạng đầu tư dàn trải dẫn đến hiệu quả không cao.
Riêng đối với các dự án đã bố trí tái định cư nhưng một số hạng mục, công trình xuống cấp, hư hỏng như hiện nay do thời gian thực hiện kéo dài; ngành nông nghiệp tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương lập một dự án riêng để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, hay nâng cấp các hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng tại các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh từ các nguồn vốn khác.
Ngoài ra, đối với các dự án đang triển khai thực hiện, chỉ đạo các cơ quan thực hiện đầu tư dự án cùng với địa phương điều tra, thay đổi các hạng mục dự án hiện không còn phù hợp; hay đối với các dự án đề xuất mới, lựa chọn các hạng mục đầu tư thật sự cần thiết, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất, bố trí mặt bằng, xử lý môi trường trong sản xuất. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư, các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn…, nhằm tạo việc làm, ổn định sinh kế lâu dài cho các hộ dân được sắp xếp, bố trí tái định cư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.