Cô con gái 5 tuổi bị bệnh đau mắt đỏ, lây cho cậu em trai một tuổi, chị Mộc (Hoài Đức, Hà Nội) đành xin làm việc tại nhà cả tuần để có thể chăm sóc và nhỏ thuốc cho hai bé.
Cuối tuần trước, con gái lớn của chị Mộc được bố đưa đến nhà bác chơi, đúng hôm cô chị họ bị đau
mắt đỏ nên về nhà hôm sau mắc bệnh luôn. Không dám cho con đi học, lại sợ bé lây bệnh cho em, chị
Mộc xin phép làm việc ở nhà để nhỏ thuốc liên tục cho con.
"Ngày nhỏ nước muối sinh lý cho con cả chục lần, liên tục nhắc bé rửa tay xà phòng và không được
đụng tới em, nhưng trẻ con nghe trước quên sau, mẹ cứ lơ đi là sà tới trêu em, hậu quả là ngày hôm
sau hai đứa mắt đều sưng, đỏ", mẹ các cháu kể.
Chị Mộc cho biết bé lớn tự giác để mẹ nhỏ thuốc và vệ sinh mắt nên sau 2 hôm là đỡ hẳn, còn em
nhỏ khó chịu, liên tục lấy tay dụi mắt, lại nhắm tịt, kêu khóc giãy giụa mỗi lần tra thuốc nên lâu
khỏi hơn. Mấy ngày sau, đến lượt mẹ cũng lây bệnh từ con.
"Công việc không thể không làm, con nhỏ thì quấy, con lớn bị cấm cung trong nhà buồn chán, suốt
ngày nhõng nhẽo, mình cảm thấy căng thẳng và chỉ mong cả nhà mau khỏi bệnh", chị Mộc cho
biết.
![kham-JPG-8662-1380332355.jpg](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2013/images/2013-09-28/1434780619-up-xao-tron-gia-dinh-vi-dau-mat-do_1.jpg) |
Bệnh nhân khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Trung ương.Ảnh: Nam
Phương.
|
Sáng đưa con đi học bình thường, vừa đến cơ quan vài giờ, chị Phương (Cầu Diễn, Hà Nội) đã nghe
cô giáo gọi điện đến đón con về vì bé đau mắt đỏ. Vậy là suốt 4 ngày qua, hai vợ chồng chị thay
nhau nghỉ để ở nhà chăm bé.
"Ông bà nội ngoại đều ở xa, không thể nhờ ai, bé bị bệnh dẫn lên cơ quan cũng không được, bố mẹ
đành phải nghỉ việc ở nhà. Giờ lo nhất là cả hai vợ chồng cùng bị lây, lại nghỉ tiếp thì dở quá",
chị Phương chia sẻ. Chị cho biết, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của chị cả nhà đều mắc bệnh này
rồi.
Để phòng bệnh, chị Phương yêu cầu cả nhà chăm chỉ rửa tay, hai vợ chồng chưa đau mắt nhưng đều
cùng thường xuyên phải nhỏ nước muối sinh lý phòng bệnh, khăn mặt của mỗi người dùng và giặt
riêng.
Một tuần nay phải cách ly con, chị Trâm (Kim Mã Thượng, Hà Nội) chỉ mong mau khỏi
đau mắt. Chị cho biết, cuối tuần trước, vợ chồng chị cùng bị sốt virus, sợ lây cho con gái gần hai
tuổi nên gọi điện nhờ ông bà nội đón bé về chăm giúp. Vừa đỡ sốt virus được một ngày, định đến đón
con thì chị Trâm lại phát hiện bị đau mắt đỏ.
"Buồn không tả xiết, suốt mấy ngày vừa rồi một mình ngồi trong nhà, trong dám đi
đâu vì sợ lây cho người khác. Anh xã đi làm, trưa tranh thủ qua thăm con, tối về với vợ nhưng cũng
hạn chế tiếp xúc hơn", chị Trâm thổ lộ.
Vì sợ dịch đau mắt đỏ tràn đến nhà mình mà vợ chồng anh Thạch (Cầu Giấy, Hà Nội)
phải mang tiếng với hàng xóm là "chảnh". Chuyện là, cô con gái 3 tuổi của anh thường ngày hay chơi
cùng một bé 4 tuổi nhà bên. Cứ ăn cơm tối xong, một trong hai bé chạy sang nhà nhau chơi đủ các
trò. Hôm qua, thấy cô nhóc 4 tuổi đeo kính đến nhà mình, anh Thạch hỏi thì bé nói "cháu đau mắt đỏ
đấy" khiến hai vợ chồng giật thột.
"Ở cơ quan dạo này hàng loạt người nghỉ vì bệnh, trên Facebook cũng nhao nhao lên
vì đau mắt đỏ, nên mình rất lo. Con mà bị thì vừa khổ bé mà bố mẹ cũng mất công mất việc. Vì thế,
thấy bé hàng xóm tháo kính định đeo cho con mình, tôi vội đến giật ra rồi khuyên về nhà", anh Thạch
kể lại. Vì chuyện này mà hôm sau, anh Thạch thấy mấy vợ chồng hàng xóm nhìn mình bằng ánh mắt lạ
lạ, rồi cố tình nói to "từ nay đừng có sang đấy mà lây bệnh cho người ta nghe chưa".
Bác sĩ Lê Việt Sơn, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh đau mắt đỏ
đang vào mùa và lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Những ngày qua, khoa mắt tiếp nhận rất nhiều
trường hợp cả gia đình cùng bị đau mắt đỏ đến khám. Bệnh rầm rộ vào những ngày trời nồm, độ ẩm cao.
Khi thời tiết chuyển sang khô ráo, hanh nên số ca bệnh cũng có chiều hướng giảm.
Đây là bệnh do virus có kích thước siêu nhỏ, có thể chui qua hệ thống dẫn nước
mắt, xuống mũi và lây truyền qua nước bọt bắn ra của người mắc khi nói chuyện. Virus còn có thể tồn
tại trong không khí nên ngay cả khi không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cũng có thể bị lây.
Ngoài ra, bệnh có thể lây qua các vật dụng trong gia đình, chẳng hạn người bị
bệnh dụi mắt rồi cầm vào chén, bát, tay nắm cửa... sau đó các thành viên cũng sử dụng hay đụng chạm
tới các vật này. Đặc biệt nếu dùng chung kính, khăn mặt thì khả năng lây còn cao hơn. Thực tế, kính
đeo của người bệnh vẫn tồn tại virus gây đau mắt đỏ tới một tuần.
Bác sĩ Sơn cho biết, đây là bệnh cấp tính nhưng lành tính, thông thường sẽ khỏi
trong 5-7 ngày. Tuy nhiên, hiện nay, không ít ngườidùng cách
điều trị phản khoa học như đắp lá, nhỏ thuốc tùy tiện. Việc đắp lá lên mắt đau không những vô tác
dụng mà có thể gây nguy hiểm vì lá có vi trùng, nấm, chứa tinh dầu có thể làm giãn mạch khiến tình
trạng đỏ nặng thêm.
Theo bác sĩ, bệnh đau mắt đỏ dễ nhận biết với biểu hiện mắt đỏ, nhiều dử, cộm
mi... Khi bị cần nhỏ nước muối sinh lý để rửa trôi chất bẩn, virus, mầm bệnh, tránh tùy tiện dùng
thuốc vì có thể làm bệnh nặng thêm. Tốt nhất nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác và hướng dẫn
cách điều trị phù hợp. Để tránh lây bệnh trong gia đình, người đau mắt nên đau khẩu trang, đeo
kính, các thành viên không sử dụng chung các vật dụng...
Vnexpress (Theo Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.