Ca sĩ Tùng Dương: Nhờ Nguyên Lê mới tìm ra “Độc đạo”

Thứ ba, ngày 12/11/2013 16:32 PM (GMT+7)
Ngày 24.11, Tùng Dương sẽ làm live concert mang tên “Độc đạo” giới thiệu album cùng tên mà anh đã cùng nhạc sĩ Nguyên Lê thực hiện với nhiều tâm huyết. Anh trò chuyện với phóng viên NTNN về chương trình và album mới này.
Bình luận 0
Trước khi ra mắt album, Tùng Dương đã cập nhật rất nhiều chia sẻ trên Facebook về quá trình cũng như sự kỳ công của anh trong việc thực hiện album này. Giờ đây, nó đã ra đời, anh muốn nói thêm điều gì về “Độc đạo”?

- Album được tôi và nhạc sĩ Nguyên Lê thu âm 17 ca khúc, nhưng sau đó sàng lọc và chọn lấy 11 ca khúc mà cả 2 tâm đắc nhất. Hơn một nửa album là những ca khúc mới với “Độc đạo”, “Con ốc”, “Thể đơn bào”, “Cuộn”... và lần đầu tiên xuất hiện một tác phẩm jazz của nhạc sĩ Nguyên Lê có tên gọi “Ánh trăng khuya” viết cho thanh nhạc, đặc biệt viết riêng cho tôi. Mặc dù đây không phải một ca khúc có thể trưng trổ về kỹ thuật thanh nhạc nhưng rất giàu cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc về Hà Nội, khi nhạc sĩ Nguyên Lê đang ở nước ngoài và nhớ về Hà Nội.

img


Cũng lần đầu tiên, tôi thể hiện 3 ca khúc tiếng Anh là “Redemption Song” (Bob Marley), “All is full of love” (Bjork), “Seven Seconds” (nam nhạc sĩ người châu Phi Youssou N’Dour), với thông điệp chuyển tải ý nghĩa nhân văn về tình yêu, tình thương giữa con người, được kết hợp qua phần song ca với 3 giọng ca quốc tế là Julia Sarr, Dhafer Youssef, Tom Diakite.

Mời được một nhạc sĩ nổi tiếng như Nguyên Lê cùng cộng tác với dự án của mình chắc hẳn album “Độc đạo” sẽ có rất nhiều điểm mới lạ so với những album trước đây của anh?

- Với album “Độc đạo”, tính thể loại không còn cần thiết, tuy nhiên người nghe sẽ thấy trong đó những phong cách, thể loại đã được định danh của âm nhạc thế giới như calssical, pop, rock, new age... nhưng tất cả đã được pha trộn vào với nhau, không còn ranh giới. Khán giả có thể dễ dàng nhận thấy sự kết hợp rất hòa quyện, nhuần nhuyễn vốn tưởng như bất khả của những nghệ sĩ đa quốc gia trên thế giới, với những năng lực riêng của họ, mà đỉnh điểm trong phần hòa âm của bài “Con ốc”. Dàn dây do những nghệ sĩ hàng đầu của Paris thể hiện, kết hợp cùng tiếng đàn dân gian Koto của nghệ sĩ Nhật Bản Mieko Miyajaki và tiếng đàn tranh, tiếng sáo của các nghệ sĩ Việt Nam. Hay đàn kora châu Phi hòa âm theo phong cách alternative rock nhưng lại được ca sĩ hát như nhạc soul... Tất cả những điều đó, tôi cho là chỉ ở bậc thầy “cao tay ấn” như nhạc sĩ Nguyên Lê mới có thể đặt những “nguyên liệu” tưởng như không liên quan gì ấy lại với nhau để tạo ra một món ăn ngon.

Nói đến tư tưởng xuyên suốt của album - sự kết nối để hòa hợp các bản ngã, vậy khi Tùng Dương kết hợp với các nghệ sĩ nước ngoài, Tùng Dương có gặp khó khăn gì không?

Trong live concert “Độc đạo” vào ngày 24.11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Tùng Dương sẽ biểu diễn cùng những khách mời, đặc biệt là nữ ca sĩ Julia Sarr (Pháp), nữ ca sĩ Nhật Bản Himiko Paganotti.

- Ồ không, tôi không gặp khó khăn, hay khúc mắc nào ở đây. Khi làm việc với các nghệ sĩ nước ngoài, tôi thấy họ rất chân thành, trong phòng thu họ làm việc hết mình. Họ cũng rất trân trọng và yêu quý tôi cũng như nhạc sĩ Nguyên Lê. Với Julia Sarr - một ca sĩ nhạc Jazz và world music thành danh trên đất Pháp nhưng lại là người châu Phi, chúng tôi đã có những giây phút rất thú vị và khó quên khi thu âm song ca ca khúc “Seven Seconds”. Người thứ 2 không còn là ngỡ ngàng đối với khán giả Việt Nam nữa, đó là Dhafer Youssef, một giọng ca quen thuộc đã từng xuất hiện trong Dự án “Nguồn cội” của nhạc sĩ Quốc Trung. Dhafer Youssef là một ca sĩ có giọng hát rất đặc biệt và cao.

Và cuối cùng kết hợp với Tùng Dương trong album này là ca sĩ Tom Diakite cũng là người gốc châu Phi và cũng thành danh trên đất Pháp, anh chơi nhạc cụ kora của người châu Phi.?Khi thu âm cùng Tùng Dương với ca khúc “Giăng tơ”, Tom Diakite đã rất thích thú và anh đã đặt lời bằng tiếng châu Phi trong ca khúc này. Vì vậy, ca khúc “Giăng tơ”?sẽ mang một hơi thở mới, một sự sáng tạo kết hợp mới giữa giai điệu dân gian Việt Nam với sự hoang dã, mạnh mẽ nhưng không kém phần da diết của châu Phi.

Còn sự kết hợp với nhạc sĩ Nguyên Lê, anh muốn nói gì?

- Nhạc sĩ Nguyên Lê là một nhạc sĩ mà tôi đã thần tượng từ khi còn đi học, hồi đó tôi rất hay mua đĩa của nhạc sĩ về nghe. Và không thể ngờ rằng, có một ngày mình được đứng chung sân khấu, được cùng làm album với thần tượng của mình. Đối với tôi đây là một điều kỳ diệu nhất trong cuộc đời của mình.

Khi làm việc chung với nhạc sĩ Nguyên Lê, điều khiến tôi bất ngờ nhất là cách làm việc của anh luôn biết lắng nghe, không ngần ngại chia sẻ quan điểm của mình một cách thực sự cầu thị. Có nhạc sĩ Nguyên Lê mới có một Tùng Dương tìm đúng lối đi cho con đường “Độc đạo” của mình. Nhạc sĩ Nguyên Lê đủ khả năng biến những ý tưởng lạ lùng nhất của tôi thành hiện thực một cách khả thi nhất, dễ tiếp cận với khán giả nhất.

Cả hai chúng tôi, lấy bản ngã Việt để giao thoa, song hành cùng nhau các bản ngã khác với tâm thế luôn ngẩng cao đầu, luôn tự hào về truyền thống và văn hóa Việt, những giá trị mà con người ngày nay đang khát khao tìm về. Và quan trọng hơn cả giữa tôi và nhạc sĩ Nguyên Lê đều được bay bổng trong thế giới âm nhạc của sự giao thoa, khát khao gìn giữ và phát triển văn hóa dân gian, để chúng luôn song hành cùng các giá trị của đương đại. Thông qua âm nhạc sẽ xóa bỏ những rào cản giữa các giá trị về ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc. Đấy chính là điểm đồng cảm giữa tôi và nhạc sĩ Nguyên Lê và đây cũng chính là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm trong album “Độc đạo” đến với khán giả.

Xin cảm ơn Tùng Dương!
Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem