Về nơi đất võ trời văn

Hà Thu Thứ ba, ngày 22/07/2014 11:15 AM (GMT+7)
Bình Định là một trong những cái nôi của võ cổ truyền VN (Vovinam), được mệnh danh là miền đất võ. Du khách quốc tế và những người yêu võ cổ truyền Vovinam khi về Bình Định đều muốn ghé thăm các di tích lịch sử văn hóa, các làng võ nổi tiếng dệt nên bao huyền thoại kỳ bí, thành tâm thắp nén hương kính cẩn nghiêng mình trước điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, cảm nhận tình yêu và sức hấp dẫn của võ cổ truyền dân tộc Việt Nam.
Bình luận 0

Thương hiệu “đất võ”

Đến đất võ Bình Định, ai cũng nghe tiếng những làng võ, lò võ nổi tiếng như lò võ của dòng họ Trương (xã Phù Mỹ, huyện Mỹ Hiệp), dòng họ Đinh (thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, huyện An Nhơn), dòng họ Trần (thôn Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn)…

Đến với mỗi làng võ, võ đường Bình Định, được nghe các võ sư kể về quá trình hình thành và phát triển võ cổ truyền, kinh nghiệm của người đi trước truyền lại và được tận mắt chứng kiến những đường roi, bài quyền tuyệt kỹ, du khách sẽ hiểu hơn về miền đất võ, về giá trị của võ cổ truyền.

Tới làng võ Thuận Truyền (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn), du khách sẽ được chứng kiến một huyền thoại nổi tiếng đất Bình Định với tuyệt kỹ dùng roi của cố võ sư Hồ Ngạnh, một trong những võ sư làm rạng danh đường roi Thuận Truyền “roi Thuận Truyền, quyền An Thái”. Nghe những giai thoại, chạm tay vào những kỷ vật của ông, tiêu biểu là 2 cây roi lớn làm bằng gỗ kền kền được Hồ gia giữ lại làm báu vật, được xem biểu diễn các bài roi độc đáo như Thất bộ, Thái Sơn, Bát quái, Tứ môn, Ngũ môn, Trực chỉ, Tấn nhất, Tiên ông… chắc chắn sẽ là những khoảnh khắc không thể quên.

Miền đất thi nhân

Bình Định không chỉ nổi tiếng là đất võ mà còn là miền đất của các thi nhân, nơi nâng cánh cho các hồn thơ của những tài năng lớn trong làng thi ca Việt Nam như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan…

Khách đến Bình Định không thể không ghé qua Ghềnh Ráng Tiên Sa. Nơi đây đá chất trập trùng tạo thành hang, thành rạng, gành với khí hậu mát mẻ và phong cảnh hữu tình, được Vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ mát từ năm 1927. Dưới chân đồi Ghềnh Ráng, bên bờ gành là bãi tắm độc đáo với vô số những viên đá cuội được sóng biển mài nhẵn nên còn gọi là Bãi Trứng. Bên cạnh sườn đồi là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Đầm Thị Nại - bán đảo Phương Mai là đầm lớn nhất Bình Định chạy dài hơn 10km, rộng gần 4km với nhiều loại thủy hải sản nổi tiếng bổ dưỡng. Nằm về phía Đông đầm Thị Nại là bán đảo Phương Mai với hệ thống núi đá trùng điệp và những đồi cát khổng lồ, địa điểm lý tưởng để du khách chơi trượt cát, tắm biển.

Ông Nguyễn Văn Dũng- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Định cho biết: “Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam khai mạc ngày 1.8 tới đây không chỉ là một giải đấu võ thuật cổ truyền mà còn là nơi hội tụ của các giá trị văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc. Sẽ có rất nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn như lễ dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung và Đàn tế Trời - Đất (tại Tây Sơn); Cuộc thi Người đẹp quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam; lễ hội đường phố…”.

Festival võ cổ truyền Việt Nam sẽ được tổ chức ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) từ ngày 1 đến 4.8, quy tụ hơn 50 đoàn võ từ các nước trên thế giới. Đây được xem là cơ hội để du lịch Bình Định giới thiệu với bạn bè năm châu những thế mạnh của mình.

Để hạn chế tối đa nạn chặt chém, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh, nhà hàng, khách sạn… phải niêm yết giá trước liên hoan 15 ngày, đảm bảo phục vụ du khách tốt nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem