Cá tra lại gặp “sóng lớn” ở Mỹ

Thứ ba, ngày 11/02/2014 06:50 AM (GMT+7)
Quốc hội Mỹ vừa thông qua Dự luật trang trại mới (Farm Bill), mà theo đó cá basa và cá tra của Việt Nam sẽ hết đường vào thị trường này!
Bình luận 0
Quy định thiếu tính công bằng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Dự luật Farm Bill vừa được thông qua có một điều khoản là chuyển chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá basa và cá tra của Việt Nam, từ Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Cá tra đang gặp “sóng lớn” ở thị trường Mỹ vì đạo luật Farm Bill.
Cá tra đang gặp “sóng lớn” ở thị trường Mỹ vì đạo luật Farm Bill.

Với điều khoản này, USDA sẽ áp dụng tiêu chuẩn quy định cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngang đồng với mặt hàng này sản xuất tại Mỹ, từ quy trình sản xuất đến việc chế biến, đóng gói và xuất khẩu. Điều khoản này do Hiệp hội Nuôi trồng cá da trơn của Mỹ và nghị sĩ các bang miền Nam của Mỹ cố đưa vào mặc dù Thượng nghị sĩ John McCain phản bác, coi đây là một hàng rào thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của người nuôi trồng cá da trơn của Mỹ.

Phía Việt Nam cho rằng đây là quy định thiếu thực tế, đẩy ngành cá da trơn của Việt Nam vào thế bí. Bởi đây là những tiêu chuẩn áp đặt vì điều kiện nuôi mỗi nước khác nhau, chưa kể khác nhau cả về con giống, thức ăn, môi trường tự nhiên… Chẳng hạn cá da trơn ở Mỹ quy định nuôi ở ao nông, sử dụng nước giếng khoan... trong khi đó hiện cá tra, basa Việt Nam chủ yếu được nuôi trên khu vực sông Cửu Long, từ nguồn nước sông tự nhiên. Do đó việc phải nuôi trong các ao nông và sử dụng nước giếng khoan không thể áp dụng được vì môi trường không phù hợp và chi phí quá lớn. Bộ Công Thương Việt Nam đã có thư gửi đến Mỹ phản đối những điều kiện trong dự luật vì tính chất không công bằng.

Trong năm 2013, Việt Nam xuất gần 100.000 tấn cá tra sang Mỹ, đạt giá trị khoảng 300 triệu USD. 5 năm qua thị phần cá tra tại thị trường Mỹ đã tăng từ 37% lên 76%, trong khi đó, sản xuất cá da trơn nội địa của Mỹ lại giảm 40%. Người tiêu dùng Mỹ tăng việc tiêu thụ các tra, basa Việt Nam là do giá cá da trơn nội địa quá cao. Vì vậy nếu dự luật này chỉ nhằm bảo vệ người nuôi cá trong nước mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng là cũng không công bằng.

Việt Nam có cơ hội trở mình?

Ông Nguyễn Văn Kịch - Phó chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Cafatex, cho biết cũng đang chờ các quy định cụ thể từ phía USDA. “Chúng tôi cũng đang rất lo vì nếu đúng USDA áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất, chất lượng tương đồng với nền sản xuất cá da trơn Mỹ thì gần như họ cấm cửa con cá tra của ta vì các điều kiện nuôi trồng của ta hoàn toàn khác họ”.

Chuyển đổi thị trường
Với rào cản mới và trước đó là việc đánh thuế chống bán phá giá, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp là chuyển đổi thị trường, giảm dần lượng cá tra xuất qua Mỹ sang thị trường khác. Ông Nguyễn Văn Phấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chế biến thủy hải sản Hiệp Thanh (Cần Thơ) cho biết, từ đầu năm ngoái đến nay công ty hầu như giảm hẳn xuất khẩu qua thị trường Mỹ và đã chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như châu Á, Trung Đông, EU. Các công ty Agifish, Vĩnh Hoàn,… cũng đang có động thái tương tự.

Theo các chuyên gia phân tích, nếu trước đây FDA quản lý cá tra, cá basa chỉ thuần túy về mặt chất lượng, giờ chuyển về cho USDA thì có nghĩa là USDA sẽ giám sát và quản lý sản phẩm theo chuỗi, từ các điều kiện sản xuất cho đến tiêu dùng, đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất. Vì thế sẽ phức tạp hơn nhiều và đòi hỏi USDA phải có tiền để làm.

Trong khi đó dự luật ngân sách trợ cấp cho các nông trại vừa được Thượng viện Mỹ thông qua lại không có chi phí cho chương trình giám sát này trong năm nay. Bên cạnh đó, giữa FDA và USDA cũng cần có thời gian để chuyển giao công việc, trao đổi, thỏa thuận những hạng mục, công việc để không giẫm chân nhau. Thế nên theo các chuyên gia, chương trình giám sát này sớm nhất vào năm 2015 USDA mới thực hiện được. Điều này đồng nghĩa với cơ hội cho chúng ta thêm thời gian để tìm cách ứng phó.

Theo VASEP, các luật sư mà các doanh nghiệp Việt Nam thuê đang chuẩn bị ráo riết các thủ tục pháp lý cũng như vận động hành lang lấy thêm các ý kiến từ Hiệp hội Người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu Mỹ… để phản đối dự luật này.

“Thực ra, việc tiếp cận sản xuất sản phẩm theo chuỗi, theo quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, chúng ta đã khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện bấy lâu nay theo các bộ tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC... Vì vậy nếu chúng ta có sự điều chỉnh hợp lý về mặt quản lý, công tác xuất khẩu, tổ chức chứng nhận… cho phù hợp với tình hình mới thì cá tra, cá basa của Việt Nam vẫn đáp ứng đủ các yêu cầu xuất sang thị trường Mỹ” - ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT nhận định.

Ngọc Minh (Ngọc Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem