Các địa phương siết quản lý việc thả rông chó, mèo

Lan Anh Thứ bảy, ngày 10/09/2022 16:57 PM (GMT+7)
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 25 ca tử vong do dại tại 11 tỉnh. Điểm chung là các nạn nhân bị chó thả rông cắn, chủ quan không tiêm vaccine phòng bệnh dại…Nhiều tỉnh, thành phố đã có các chỉ đạo và hoạt động để ngăn chặn tình trạng chó, mèo thả rông cắn người.
Bình luận 0

Hà Nội lập gần 600 đội bắt chó thả rông

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có tổng số 243.543 hộ nuôi chó, mèo, với tổng đàn chó, mèo là 438.390 con, nhiều đứng thứ hai cả nước. Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y đánh giá, ở Hà Nội, việc khai báo, đăng ký với chính quyền cơ sở về việc nuôi chó, mèo của các hộ gia đình chưa được thực hiện tốt do ý thức của các hộ chăn nuôi chưa cao. Tình trạng thả rông chó, mèo rất phổ biến, dễ dàng bắt gặp trên đường phố, vườn hoa, công viên, nơi công cộng.

Trước thực trạng nói trên, hồi tháng 4/2022, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 105/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022 - 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã.

Các địa phương siết quản lý việc thả rông chó, mèo - Ảnh 1.

Đội bắt chó thả rông quận Thanh Xuân (Hà Nội) trong một lần htực hiện nhiệm vụ. Ảnh: H.T

Tính từ đầu tháng 4 - 15/5/2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị giám sát 17 trường hợp người bị chó, mèo cắn. Qua điều tra, có 14/17 con chó, mèo cắn người không được tiêm vaccine phòng bệnh dại, có 7 người không đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh dại…

Thực hiện Kế hoạch 105, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho rằng các địa phương phải yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình theo đúng quy định để ngăn ngừa trường hợp chó cắn người... Song song với việc này, các địa phương cần thành lập các tổ bắt giữ chó thả rông – biện pháp để các hộ dân, người nuôi phải tuân thủ việc nuôi giữ chó mèo trong khuôn viên gia đình, cho chó đeo rọ mõm khi đưa ra khỏi khuôn viên…

Cũng về việc thực hiện Kế hoạch 105, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội chỉ rõ các biện pháp: Các địa phương tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và số chó nuôi trong từng hộ gia đình để quản lý. Tổ chức đợt cao điểm tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó nuôi (kể cả mèo), bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng (tính trên tổng đàn chó nuôi thực tế) theo quy định.  

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện nay toàn thành phố có 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Tây Hồ được công nhận vùng an toàn về bệnh dại. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng thành công vùng an toàn bệnh dại cho 12 quận nội thành, sau đó triển khai ra các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Chấn chỉnh việc nuôi chó, mèo của các hộ dân

Mới đây UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch 157 phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.

Theo đó, UBND tỉnh đã đặt ra mục tiêu cụ thể phòng chống bệnh dại ở động vật là quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025; trên 90% trong giai đoạn 2026 - 2030. Tiêm vaccine dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và 80% trong giai đoạn 2026 - 2030. UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo phải thực hiện đăng ký việc nuôi chó, mèo; nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người…

Tại Đăk Nông, vừa qua, trên địa bàn xã Nam Đà, huyện Krông Nô ghi nhận 5 trường hợp  chó mắc bệnh dại. Ngày 17/8/2022 UBND huyện Krông Nô ban hành Quyết định công bố dịch bệnh dại chó, mèo trên địa bàn các thôn Nam Nghĩa, Nam Cường, Nam Sơn, xã Nam Đà. Chính quyền địa phương đề nghị người dân có nuôi chó, mèo trên địa bàn 03 thôn trên cam kết tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo; vật nuôi phải được xích hoặc nhốt tại nhà, không thả rông ra đường, tránh làm lây lan dịch bệnh.

Kế hoạch Phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2030 vừa được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 908. Kế hoạch đề ra các mục tiêu: Đến 2030 quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo; tiêm được 80% tổng đàn chó, mèo nuôi; giám sát được 90% số hộ nuôi chó, mèo. Đồng thời, xây dựng ít nhất 1 vùng an toàn dịch bệnh dại cấp huyện và ít nhất 3 cơ sở an toàn dịch bệnh dại cấp xã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem