"Các nghệ sĩ đừng nghĩ mình là ông hoàng bà chúa, đừng ảo tưởng quyền lực"

Yên Fong Chủ nhật, ngày 26/09/2021 13:30 PM (GMT+7)
"Đừng ảo tưởng rằng mình quyền lực, đừng nghĩ mình là ông vua bà chúa, có thể hô mưa gọi gió hay đứng trên thiên hạ. Khán giả bây giờ đã khác rồi" - chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Năm 2021 trôi qua với hàng loạt scandal lớn trong showbiz Việt, kéo theo sự quan tâm, theo dõi của đông đảo công chúng. Những câu chuyện gây tranh cãi nổ ra, đặc biệt là chuyện đời tư và làm từ thiện gây ảnh hưởng tới hình ảnh của nhiều nghệ sĩ.

Mới đây, hàng loạt nghệ sĩ như Thủy Tiên, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng đưa ra thông báo cho biết họ đã gửi đơn tố cáo, nhờ tới pháp luật giải quyết những lùm xùm.

"Các nghệ sĩ đừng nghĩ mình là ông hoàng bà chúa, đừng ảo tưởng quyền lực" - Ảnh 1.

Chuyên gia truyền thông kỳ cựu Nguyễn Ngọc Long. (Ảnh: FBNV)

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia truyền thông kỳ cựu Nguyễn Ngọc Long về chủ đề này để rộng đường dư luận.

"Các nghệ sĩ đừng nghĩ mình là ông hoàng bà chúa, đừng ảo tưởng quyền lực" - Ảnh 2.

Mới đây, hàng loạt nghệ sĩ đã đồng loạt đâm đơn kiện, nhờ tới pháp luật giải quyết những lùm xùm phía sau sân khấu (cụ thể là trong lĩnh vực từ thiện). Là một người làm truyền thông lâu năm, theo anh, đây có phải là một hành động nên làm?

- Nếu đánh giá trên phương diện có đúng pháp luật hay không thì đương nhiên họ làm đúng, pháp luật hoanh nghênh, khuyến khích công dân đâm đơn kiện khi họ thấy oan sai. Ai cũng có quyền kiện khi họ thấy không thỏa đáng. Chuyện được - mất sẽ phải bàn theo từng trường hợp cụ thể.

Còn xét về khía cạnh truyền thông, tôi cho rằng các nghệ sĩ đang không có cái nhìn tổng quát về kiện tụng. Khi đâm đơn kiện, họ muốn giành phần thắng trên địa phận pháp lý. Thế nhưng, để chiến thắng một cách toàn cục, người nghệ sĩ phải chiếm lợi thế ở hai mặt trận khác nhau: mặt trận pháp lý và mặt trận truyền thông. 

Hai mặt trận này luôn song hành với nhau, mặt trận truyền thông sẽ bổ trợ rất nhiều cho mặt trận pháp lý. Nói cách khác, nếu bạn muốn thắng một cách toàn cục thì phải chắc chắn thắng ở mặt trận truyền thông. Khi đó, nếu bạn thắng về mặt trận pháp lý, bạn sẽ thắng một cách vẻ vang, toàn diện.

Thế nhưng, điều này sẽ không xảy ra ở chiều ngược lại, trong trường hợp bạn chưa chắc chắn thắng ở mặt trận truyền thông mà đã đâm đơn kiện. Nếu thua đương nhiên bạn thua đau, nếu bạn thắng thì chưa chắc dư luận đã ủng hộ bạn.

Nhìn lại lịch sử, hoàn toàn có thấy nhiều việc mà nghệ sĩ đúng về mặt pháp lý nhưng lại không được công chúng đồng tình, việc hoa hậu Trương Hồ Phương Nga hầu tòa là một ví dụ tiêu biểu.

Đương nhiên câu chuyện này không thể nói chung chung, chúng ta phải xét ở trường hợp của từng nghệ sĩ một, trong từng giai đoạn khác nhau, họ đang muốn cái gì. Còn khi chúng ta xét cụ thể về những nghệ sĩ đang đâm đơn kiện, tôi có thể nói rằng, họ đang thua về truyền thông. Họ mang ra pháp lý để kiện và họ nghĩ từ đó sẽ giúp họ thắng về mặt trận truyền thông, lấy lại hình ảnh trong mắt công chúng, điều đó sai hoàn toàn. 

Nhìn từ khía cạnh truyền thông, theo tôi, đó chưa phải hành động khôn ngoan. Họ sẽ khôn ngoan hơn khi xử lý truyền thông trước và làm cho dư luận đứng về phía họ. Khi đó, họ kiện thua, dư luận sẽ không quan tâm tới cái thua đó lắm, còn nếu họ thắng - đó sẽ là một chiến thắng giòn giã.

"Các nghệ sĩ đừng nghĩ mình là ông hoàng bà chúa, đừng ảo tưởng quyền lực" - Ảnh 2.

Trấn Thành, Thủy Tiên, Hoài Linh đều tuyên bố đã đâm đơn kiện những người vu khống, nhằm lấy lại danh dự. (Ảnh: ITW)

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đâm đơn ra tòa là  hành động "cực chẳng đã" của những người nghệ sĩ, khi họ muốn bảo vệ danh tiếng của chính họ cũng như của những người làm nghệ thuật. Anh nghĩ sao về điều này?

- Có 2 vấn đề trong câu hỏi của bạn. Ở vấn đề thứ nhất, danh tiếng - thứ mà chúng ta đang nhắc tới chính là mặt trận truyền thông như tôi vừa nói, chứ đâu phải vấn đề pháp lý. Có thể về pháp lý những người nghệ sĩ đó không sai, nhưng họ đang bị yếu trên mặt trận truyền thông, họ phải nghĩ cách giải quyết vấn đề này trước đã. Tôi hoàn toàn hiểu, trong số họ có những người cay cú, oan ức, nhưng hãy thử nghĩ đi, điều gì xảy ra nếu như họ thắng?

Sẽ có 3 nhóm công chúng khác nhau: nhóm ủng hộ họ, quan điểm của nhóm này là "họ sai cũng ủng hộ vì đơn giản là tôi thích"; nhóm luôn luôn phản đối, "bạn làm gì bạn cũng sai" và nhóm cuối cùng là nhóm trung lập. Nhóm luôn ủng hộ và nhóm luôn phản đối thì không cần đề cập tới, còn nhóm trung lập họ muốn xem cái gì? Họ chờ đợi người nghệ sĩ nói gì trên truyền thông, chứ họ không muốn xem phán quyết của tòa.

Còn vấn đề thứ 2, đúng là giới văn nghệ sĩ gần đây rất mất uy tín. Nhưng tôi cho rằng, đây là sự mất uy tín đối với những con người cụ thể thôi, chứ không phải tất cả giới nghệ sĩ đều như vậy. Ngay trong lúc mọi người không hài lòng với một vài nghệ sĩ, cứ cho là 5 hay 10 như hiện nay, thì nó cũng không đáng gì đâu với số lượng nghệ sĩ không mất uy tín và vẫn đang được yêu mến. Những trường hợp này chỉ như "con sâu bỏ rầu nồi canh" thôi, mọi người sẽ vẫn yêu quý các nghệ sĩ khác và cũng đang có đầy chỗ để họ gửi gắm niềm tin, tình cảm.

Chỉ có điều, việc xấu luôn lan nhanh và được nhắc tới nhiều. Việc tốt bao giờ cũng lan tỏa lặng lẽ, nhẹ nhàng, nhưng bền bỉ. Bởi vậy, nếu ai đó nói rằng, họ xông ra để lấy lại danh dự cho giới nghệ sĩ thì tôi không cho rằng mọi chuyện khủng hoảng tới mức như vậy. Câu chuyện ở đây là họ không chính danh để đại diện cho toàn bộ giới nghệ sĩ. Nếu khán giả nói "toàn bộ nghệ sĩ đều ăn chặn tiền từ thiện" thì khác, nhưng ở đây không có khán giả nào nói thế cả. 

"Các nghệ sĩ đừng nghĩ mình là ông hoàng bà chúa, đừng ảo tưởng quyền lực" - Ảnh 4.

Khi những scandal về từ thiện diễn ra liến tiếp trong thời gian gần đây, nhiều người đã nhắc tới MC Phan Anh như một điển hình cho việc một nghệ sĩ bị mất hoàn toàn hình ảnh bởi scandal. Theo anh, liệu trường hợp này có lặp lại và scandal sẽ một lần nữa "giết chết" tên tuổi của những nghệ sĩ khác?

- Scandal không bao giờ "giết chết" được nghệ sĩ, chỉ có nghệ sĩ tự giết chết nghệ sĩ mà thôi. Và thật ra việc này đã xảy ra từ lâu rồi chứ không thể nói hiện tại do nhận thức của khán giả thay đổi nên scandal mới có khả năng hủy hoại những người làm nghệ thuật.

Nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam tự "hủy diệt" bởi scandal chính là của nhạc sĩ Bảo Chấn, sau khi ông bị cáo buộc đạo nhạc hai bài hát "Phố mùa đông" và "Tình thôi xót xa". Bảo Chấn là một nhạc sĩ rất lớn và cả cuộc đời nghệ thuật của ông chỉ có một scandal đó thôi, nhưng sau đó ông đã rút lui vì tự trọng. Không phải do truyền thông, do khán giả mà sự từ bỏ này do chính ông quyết định.

Người nghệ sĩ ngã ở đâu thì hoàn toàn có thể đứng dậy ở đấy, họ vẫn có thể làm lại, nếu họ biết cách. Chỉ khi họ buông tay, tự bỏ cuộc chơi, họ mới tự "phong sát" chính mình. 

Quay trở lại câu chuyện của Phan Anh. Phan Anh đã sai lầm và không ít nghệ sĩ cũng đang sai lầm theo anh ấy. Tất cả các nghệ sĩ khi bị khủng hoảng đều "chết" bởi họ nghĩ họ đúng, họ bị oan.

Họ phải hiểu rằng dù cho họ có bị oan thật đi chăng nữa thì họ cũng có cái lỗi rất lớn. Lỗi của họ ở chỗ làm cho công chúng ghét, công chúng hiểu lầm. Họ phải hiểu rằng: Nghệ sĩ rất khác doanh nghiệp, nghệ sĩ sống bởi tình yêu của khán giả chứ không phải vì một quyết định của tòa án. Tòa án phán quyết họ đúng thì mọi người yêu quý họ ư, đó là một giấc mơ viển vông vô cùng.

Khi bạn để khán giả ghét bạn, bạn đã sai. Bạn phải đi giải quyết thực trạng đó bằng cách làm cho người ta đồng cảm, thương quý mình. Bạn phải giải quyết ở góc độ "tôi đã sai", còn nếu bạn cứ mạnh miệng tuyên bố: "kiện tôi đi", "bóc tôi đi", câu chuyện sẽ không bao giờ giải quyết được. Khán giả đang muốn nghệ sĩ xin lỗi cơ mà. Nghệ sĩ ra tòa có tác dụng gì đâu?

Tôi nghĩ nhiều nghệ sĩ đang đi vào vết xe đổ của Phan Anh. Điều này vô cùng đáng tiếc cho chính họ. Cách tốt nhất bây giờ là họ nhận sai và dần chứng minh mình đang nỗ lực giải quyết mọi việc từ tâm. Chỉ có cách đó mới giúp họ lấy lại hình ảnh và khán giả.

Có khi nào những nghệ sĩ đó lo lắng rằng, việc họ xin lỗi và nhận sai sẽ khiến công chúng quy chụp rằng, họ có khuất tất trong việc làm từ thiện?

- Người ta đang quy chụp rồi đấy thôi. Nhưng tại sao người ta quy chụp? Vì cách làm của những nghệ sĩ đó không đúng ngay từ đầu.

Những nghệ sĩ này phải hiểu họ đã sai về mặt quy trình làm từ thiện, đã không minh bạch trong tài chính thì khán giả mới quy chụp. Họ đã quy chụp rồi thì còn quan trọng gì chuyện bạn nhận hay là không? Trong đầu khán giả đã có hẳn một phiên tòa và họ cũng đã có phán quyết rồi. 

Trong những chia sẻ của mình, tôi đã từng cảnh báo Thủy Tiên rồi, cô ấy càng "chiến" sẽ càng sai thôi. Bạn làm 1000 việc thì chắc chắn phải có vài việc bạn sai, làm sao bạn cãi được, cãi để làm cái gì?

"Các nghệ sĩ đừng nghĩ mình là ông hoàng bà chúa, đừng ảo tưởng quyền lực" - Ảnh 3.

Thủy Tiên tới ngân hàng sao kê toàn bộ số tiền cô vận động ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt năm 2020. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Từ những câu chuyện kể trên, theo anh, có phải đã đến lúc người nghệ sĩ không nên mang những câu chuyện ngoài sân khấu lên truyền thông để đánh bóng tên tuổi, khi mà những lùm xùm này hoàn toàn có thể hủy hoại danh tiếng của họ?

- Không phải vậy. Tôi rất khuyến khích các bạn nghệ sĩ làm truyền thông, nhưng phải làm truyền thông khéo. Nguyên tắc cơ bản của truyền thông là "bạn phải để người thứ ba nói về bạn", một đứa học trò mới nhập môn cũng biết điều này.

Chúng ta hãy cùng nhìn đi, trong các bạn nghệ sĩ đang gặp "trục trặc", có người thứ ba nào nói về các bạn ấy? Chỉ toàn các bạn tự vỗ ngực livestream và nói về mình?. Điều này vô cùng phản cảm, mà chỉ đến lúc scandal xảy ra, các bạn ấy mới nhận ra mình sai lầm đến thế nào.

Chúng ta có thể đề cập tới một câu chuyện điển hình: Vợ chồng Lý Hải – Minh Hải làm từ thiện có đúng không? Họ sai chứ, nếu xét về việc làm từ thiện chuyên nghiệp. Đâu phải cứ sao kê là đúng, là chuẩn xác. Nhưng tại sao mọi người lại ùa vào khen? Lý do là bởi họ không hề nói rằng tôi đây rất minh bạch, họ để cho người thứ ba nói.

Hoặc những trường hợp khác như hoa hậu H'Hen Niê, cô ấy làm từ thiện trong những ngày diễn ra dịch Covid-19 và cứ chuyên tâm, cặm cụi làm điều đó. Cô ấy không nghĩ tới việc livestream, không nghĩ tới việc chia sẻ hàng ngày. Công chúng sẽ nhìn được tấm lòng của Hhen Niê, họ tự chia sẻ và ngợi ca bởi nghĩ "thật thiệt thòi cho cô ấy".

Nếu muốn truyền thông chuyên nghiệp, bạn phải truyền thông kết quả chứ không phải quá trình. Bạn đi xây cầu giúp một xã nghèo, bạn hãy chờ một năm rồi đến ghi lại cảm nhận của người dân ở đó, những đứa trẻ đi học dễ dàng như thế nào? Thế nhưng các bạn lại chia sẻ quá trình tôi quyên tiền, tôi đưa tiền, vậy việc từ thiện đó còn ý nghĩa không?

Các bạn không theo dõi kết quả vì nghĩ mục tiêu truyền thông của các bạn đã đạt được, chứ không phải các bạn mong muốn sự thay đổi thật sự trong xã hội. Trong khi những người hoạt động xã hội, họ luôn đề cao tác động, hậu quả của việc làm đó.

Theo anh, nguyên nhân của những lùm xùm này có khi nào là bởi những nghệ sĩ lâu nay đã quen với danh vọng và sự tôn vinh của công chúng?. Họ chưa thích nghi với những thay đổi của khán giả?

- Đúng vậy! Các bạn nghệ sĩ hiện tại đang hơi "xui xẻo", họ sống đúng vào thời điểm mà khán giả ngày càng tinh nhạy, thông minh. Quyền lực của công chúng đã thay đổi. Nói cách khác, thời điểm này như một đường biên, họ sẽ là những người hy sinh để lớp nghệ sĩ sau nhìn vào và coi đó là bài học cho mình.

Đừng ảo tưởng rằng mình quyền lực, mình là ông vua bà chúa, mình có thể hô mưa gọi gió hay đứng trên dư luận. Những điều đó là có thật trước khi câu chuyện này xảy ra. Đúng là họ đã từng có những đặc quyền đặc lợi, và bây giờ họ không khỏi bị sốc. Các nghệ sĩ lứa sau sẽ nhìn vào đó và rút kinh nghiệm thôi, rồi showbiz sẽ không xảy ra những câu chuyện tương tự như thế này nữa!.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem