Vụ 5 nghệ sĩ tố bà Nguyễn Phương Hằng không là "cuộc chiến" pháp lý...
Vụ 5 nghệ sĩ gửi đơn tố bà Nguyễn Phương Hằng: Không đơn thuần là "cuộc chiến" pháp lý...
Khánh Đăng
Thứ sáu, ngày 24/09/2021 06:30 AM (GMT+7)
Chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang chia sẻ với Dân Việt rằng, vụ 5 nghệ sĩ gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng không chỉ đơn thuần là cuộc chiến pháp lý mà còn là cuộc chiến giành lại niềm tin.
Việc 5 nghệ sĩ: Trịnh Kim Chi, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Vy Oanh đã có đơn gửi lên cơ quan cảnh sát điều tra TP.HCM và Bộ Công an để tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng vẫn đang “chiếm diễn đàn” trên các mạng xã hội. Xoay quanh sự việc này, nhiều ý kiến trái đã nổ ra để bảo vệ quan điểm cá nhân của mình.
Soi rọi dưới từng quan điểm và góc nhìn… mỗi người đều có cái lý riêng bởi sự việc vẫn đang trong tình trạng “trắng đen lẫn lộn”. Tuy nhiên, qua sự việc này, người ta thấy rõ ràng, trình độ dân trí và phản biện xã hội của người dân đang ngày càng được nâng cao. Và cái gì là “chân giá trị” thì vẫn luôn được trân trọng ở mọi lúc, mọi nơi.
Chia sẻ với Dân Việt về sự việc kể trên ở góc độ cá nhân, NSND Hồng Lựu cho rằng, việc nghệ sĩ hay bất cứ ai gửi đơn tố cáo một ai đó khi thấy các dấu hiệu sai phạm là chuyện hết sức bình thường. Riêng việc các nghệ sĩ gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng cũng là một việc làm hết sức cần thiết khi nghệ sĩ cảm thấy bà Nguyễn Phương Hằng vu khống, lăng nhục, xúc phạm họ.
Tuy nhiên, theo NSND Hồng Lựu, các nghệ sĩ cũng nên nhớ một điều rằng: “Không có lửa thì không có khói”. Muốn không ai biết thì mình đừng làm.
“Tôi nói rất thẳng thắn là xã hội này cần cảm ơn bà Nguyễn Phương Hằng. Nếu không có bà Nguyễn Phương Hằng thì chúng ta đâu biết được các ma thuật gọi là “kinh doanh từ thiện”, “liên doanh ma quỷ từ thiện”. Nhưng cũng phải nói rằng, trong sự việc này, bà Nguyễn Phương Hằng đã đi quá xa. Nếu bà chỉ dừng lại ở vụ ông Võ Hoàng Yên và Hoài Linh, sau đó đích thân gửi đơn cho các cơ quan thẩm quyền nếu biết chính xác sự việc thì hay biết mấy.
Ở nước ngoài muốn mua xe, tậu nhà… anh phải kê khai nguồn tiền từ đâu? Họ kiểm tra thuế thu nhập cá nhân của anh, họ biết ngay anh cần làm nhà, mua xe bao nhiêu. Việt Nam mình chưa làm được.
Tôi chưa nói ai đúng, ai sai nhưng nếu các anh chị là người có lòng tự trọng và đầy trắc ẩn với những mảnh đời thiếu may mắn thì sao kê minh bạch từ đầu chứ cần gì phải bà Nguyễn Phương Hằng và cộng đồng lên tiếng hàng tháng trời mới làm. Và làm một cách rất căm thù bà Nguyễn Phương Hằng. Như vậy, tôi thấy không nên chút nào. Anh tự sao kê để chứng minh mình. Tự giác sao kê chính là càng tôn lên cái đẹp của hai chữ “nghệ sĩ” của chính mình trong lòng công chúng.
Và tôi mong rằng, ai cũng vậy, sống thượng tôn pháp luật. Các “nghệ sĩ” càng giãy dụa, liên kết nhau lại để hội đồng thì càng chứng tỏ cái gọi là “liên doanh ma quỷ từ thiện”, “kinh doanh từ thiện” từ những người “nổi tiếng” là có thật”, NSND Hồng Lựu thẳng thắn bày tỏ.
Không chỉ đơn thuần là cuộc chiến pháp lý...
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang cũng bày tỏ với Dân Việt rằng: “Theo tôi, việc 5 nghệ sĩ nổi tiếng cùng có đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng là chính đáng và cần thiết vào thời điểm này.
Thứ nhất, điều này cho thấy các nghệ sĩ trên là những người trọng danh dự. Việc tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng ra cơ quan chức năng vừa là quyền tự bảo vệ chính đáng trong vai trò công dân, song cũng cho thấy những nghệ sĩ quý trọng niềm tin của khán giả dành cho họ.
Thứ hai, cho thấy tính chất thượng tôn pháp luật. Giữa một không gian mạng không giới hạn như ngày nay, bất cứ phát ngôn thiếu trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức nào cũng đều có thể gây phương hại đến uy tín, danh dự và lợi ích hợp pháp của người khác.
Việc bà Nguyễn Phương Hằng sử dụng mạng xã hội để đưa ra những thông tin, nếu không chính xác, thì bà Nguyễn Phương Hằng cần phải được nghiêm trị trước pháp luật.
Sống trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì mọi hành vi sai hay đúng cũng phải thượng tôn pháp luật, chứ không thể hành động một cách “tự do” phi tổ chức được.
Thứ ba, cho thấy những nghệ sĩ trên họ muốn chứng minh cho khán giả thấy ý nghĩa thực sự của hai từ “nghệ sĩ”. Nghệ sĩ vừa là “danh” nhưng cũng vừa là “tiếng”. Họ thành “danh” được là nhờ khán giả, nhưng cái “tiếng” của họ có ở lại trong lòng khán giả được hay không phụ thuộc vào trách nhiệm xã hội của họ. Vụ tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng không chỉ đơn thuần là một cuộc chiến pháp lý mà còn là cuộc chiến giành lại niềm tin yêu của khán giả đối với nghệ sĩ”.
Theo ông Ngô Hương Giang, trong vụ kiện này, cái được nhất của các nghệ sĩ là lấy lại được niềm tin yêu của công chúng dành cho mình, nếu sự việc pháp lý này của họ là đúng và được tòa xử thắng án.
Cái được tiếp nữa là góp phần thiết lập lại nguyên tắc ứng xử trong không gian mạng về sự nghiêm minh của pháp luật đối với tất cả công dân. Cho thấy tính chất hai mặt của mạng xã hội, phát ngôn là “ảo” nhưng hậu quả là “thật”. Từ đó nâng cao trách nhiệm xã hội trong phát ngôn của tất cả mọi người.
“Còn cái mất, theo tôi, nếu các nghệ sĩ họ đúng và không có khuất tất gì trong việc từ thiện thì họ chẳng mất gì. Vì “cơm không ăn gạo còn đó”.
Khi sự việc chưa được sáng tỏ, pháp luật chưa nghiêm trị người có tội thì đứng ở bình diện “lợi ích”, có thể các nghệ sĩ trên họ “tạm thời” bị ảnh hưởng xấu về danh tiếng.
Nhưng nếu cuộc chiến pháp lý này mà họ thắng, mọi việc được làm sáng tỏ thì tình yêu, sự bù đắp của công chúng dành cho họ sẽ nhiều hơn trước. Và tôi tin rằng, nếu họ làm từ thiện bằng cái tâm thật sự, bằng trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ với cộng đồng, không tơ hào, không vụ lợi, được tòa án xét xử công tâm, thắng án... thì sức ảnh hưởng của những người nghệ sĩ trong đời sống sẽ tiếp tục được nâng tầm”, chuyên gia Ngô Hương Giang nhấn mạnh thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.