Hầu hết các ý kiến đưa ra tại diễn đàn đều khẳng định hiệu quả và tính ưu việt của sản xuất lúa theo phương pháp sản xuất mạ khay và cấy lúa bằng máy, như giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động trong nông nghiệp, đặc biệt là lao động nữ. Do cấy nông, thưa nên lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, ruộng lúa thông thoáng, hạn chế sâu bệnh, năng suất tăng khoảng 10% so với lúa cấy truyền thống. Lợi nhuận bình quân của lúa cấy bằng máy cao hơn cấy lúa truyền thống từ 6-7 triệu đồng/ha.
Mô hình thí điểm sử dụng mạ khay, cấy bằng máy thành công được bà con nông dân đánh giá cao, đó là xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Vụ xuân 2013, xã Đại Thắng có tổng diện tích 9.164,3ha, riêng việc cơ giới được chuẩn bị khá chu đáo từ khâu tổ chức tập huấn làm giá thể, kỹ thuật ngâm ủ gieo mạ khay, tổ chức các hội nghị đầu bờ về thao tác máy…
|
Các đại biểu tham dự diễn đàn đang xem quy trình vận hành máy cấy Kobuta. |
Vì vậy, diện tích gieo cấy bằng máy ở Đại Thắng đạt 1.001,88ha, chiếm 46,1% diện tích so với kế hoạch (2.173,5ha). Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, ngoài giảm chi phí sản xuất (giảm công nhổ mạ, công cấy, thuốc BVTV…), hiệu quả 1 máy cấy/ngày bằng 20-27 người cấy/ngày. Năng suất lúa so với cấy tay, lúa cấy máy cho năng suất cao hơn ở giống BT số 7 là 280kg/ha; Khang Dân 28: 350kg/ha; Hương Ưu 3068: 200kg/ha…
Ông Hoàng Văn Hải - Trưởng phòng Kinh doanh miền Bắc Công ty TNHH Kubota Việt Nam giới thiệu về tính năng sử dụng máy cấy Kobuta 1,5 mã lực, cấy 4 hàng lúa, khoảng cách hàng x hàng =30cm, khóm x khóm có thể điều chỉnh theo mức: 12; 16; 18; 21, tùy theo giống và chân đất… Thực tế, kết quả cho thấy: 1 máy cấy một ngày làm 8 giờ, cấy được từ 0,8-1ha, bằng từ 25-30 người vừa cấy và nhổ mạ, mật độ cấy 33 khóm/m2. Tuy nhiên, một số nông dân tham dự diễn đàn cho rằng, hiện giá máy còn quá cao, mặc dù thời gian qua đã có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng nông dân vẫn khó tiếp cận công nghệ kỹ thuật tiên tiến.
Ông Nguyễn Mạnh Hồng (cơ sở mạ khay Phú Thanh, tỉnh Thanh Hóa) kiến nghị: Sản xuất mạ khay và máy cấy là chuỗi giải pháp công nghệ liên tục, gắn liền với nhau, nhưng sản xuất mạ khay là khâu đi trước, quyết định thành bại. Tuy nhiên, trong thời gian qua các địa phương mới chỉ hỗ trợ cho máy cấy (hỗ trợ 30-50% giá mua máy) mà chưa có chính sách hỗ trợ cho sản xuất mạ khay.
Để khuyến khích phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, ông Đào Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối cho rằng, một số tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ người dân mua máy rất tốt như UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định 574/QĐ-UBND ngày 08/4/2011, trong đó hỗ trợ 50% đơn giá máy sản xuất trong nước và nước ngoài có công suất từ 25 CV trở lên cho máy làm đất đa năng, máy gặt đập liên hợp có công suất 40 CV trở lên.
Còn UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012-2016, theo đó hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NNPTNN thời hạn tối đa 3 năm, mức vay vốn tối đa 100%...
Theo ông Hòa, nhằm phát huy hiệu quả cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ngoài chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất theo Quyết định 63, 65 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các doanh nghiệp sớm nghiên cứu chính sách trợ giá cho nông dân, có cơ chế bán hàng như bán trả chậm từ 30-50%.
Minh Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.