Cách chăm sóc heo con sơ sinh

Thứ năm, ngày 02/05/2013 11:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Anh Vũ Trọng Hòa - cán bộ kỹ thuật Công ty VIC cho biết: Trong chăn nuôi heo tại các trang trại, gia trại, việc chăm sóc heo con sơ sinh và heo con theo mẹ là rất quan trọng nhằm hạn chế tỷ lệ heo sơ sinh bị tử vong và giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Bình luận 0

Những thao tác cơ bản cần chú ý trong việc chăm sóc heo sơ sinh đó là lau khô cho heo ngay khi sinh ra; cắt rốn và sát trùng rốn; bú sữa đầu; sưởi ấm; bấm răng nanh và tiêm sắt.

Khi heo con mới ra khỏi cơ thể heo mẹ, sẽ có sự thay đổi lớn trên cơ thể của heo con bởi sự thay đổi môi trường sống, đặc biệt là nhiệt độ môi trường. Bởi vậy, để tránh hiện tượng heo con bị chết vì ngạt do các sản dịch trong bào thai gây nên, người chăn nuôi cần phải dốc ngược 2 chân của heo con xuống, dùng giẻ khô lau sạch nước nhờn trong mũi và miệng của heo con (có thể dùng bột đá để lau khô cho cơ thể heo).

Tiếp đó, vuốt ngược chất dinh dưỡng vào cuống nhau để tiến hành cắt rốn. Khi cắt, buộc chặt cuống rốn ở vị trí cách mặt bụng chừng 2cm, nên cố định nút buộc bằng 1 mũi khâu để tránh nút buộc bị tuột, dùng dao hoặc kéo sạch đã sát trùng để cắt rốn cách nốt buộc 1cm; sau khi cắt tiến hành sát trùng cuống rốn bằng dung dịch MD Diodin hoặc cồn Iod để đảm bảo không bị nhiễm trùng. Sau từ 3-5 ngày, cuống rốn sẽ khô và co ngắn lại.

Bước tiếp là cho heo con bú sữa đầu. Sữa đầu có rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là có chứa hàm lượng lớn kháng thể hemoglobin giúp ngăn ngừa bệnh cho heo con (lưu ý nên cho heo con bú sữa đầu càng sớm càng tốt vì hàm lượng kháng thể chỉ có trong sữa đầu trong vòng 12 giờ sau sinh).

Tiếp theo tiến hành bấm răng nanh cho heo con, việc này nên tiến hành sau khi heo con đã được bú sữa đầu (vì khi cắt không đúng kỹ thuật heo con sẽ bị trầy xước lợi khiến heo không bú được sữa đầu). Người chăn nuôi bấm răng cho heo phải đúng kỹ thuật.

Dùng kìm cắt răng hay bấm móng tay đặt ở giữa theo vị trí chiều dài răng, bấm dứt khoát 1 lần. Nếu vị trí bấm răng quá cạn, phần răng còn lại vẫn còn nhọn sẽ gây tổn thương ở vú của heo mẹ, còn nếu bấm quá sâu thì heo con lại dễ bị viêm lợi.

Việc ủ ấm (úm) cho heo con rất quan trọng trong việc chăm sóc heo sơ sinh. Người chăn nuôi nên chú ý cung cấp nhiệt độ cho heo con để tránh cho heo con không bị stress do sự thay đổi đột ngột giữa bên trong và bên ngoài cơ thể heo mẹ. Nhiệt độ thích hợp đối với heo con trong giờ đầu là 36 độ C, nhiệt độ cho heo con theo mẹ nên để trên 30 độ C.

Bước tiêm sắt cho heo con đúng kỹ thuật cũng rất quan trọng. Do nguồn cung cấp chất sắt (thành phần quan trọng để tạo máu) trong sữa của heo mẹ không đáp ứng nhu cầu, heo con cần được tiêm sắt để tránh hiện tượng thiếu máu. Heo con thường được tiêm sắt vào ngày thứ 3 và ngày thứ 10 sau khi sinh với liều 1ml/con/lần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem