Theo tín ngưỡng dân gian, Táo quân bao gồm ba vị định đoạt phước đức cho gia đình, hai Táo ông và một Táo bà.
Vị Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần cầu kỳ nhưng cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc nhà mình.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: vietnamnet
Lễ vật cúng Tết ông Táo nhất định phải có ba chiếc: Hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Cả ba mũ đều được trang trí lóng lánh và sặc sỡ. Màu sắc của mũ, áo hay hai ông Công có thể thay đổi hàng năm theo ngũ hành.
Để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời, ở miền Bắc người dân còn cúng cá chép sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng" đưa ông Táo về trời. Cá chép sẽ được phóng sinh (thả ra ao, hồ, sông) sau khi cúng.
Lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng ông Công ông Táo gồm: Hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Ảnh: IT.
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương trả lời báo điện tử Người đưa tin, một mâm cỗ mặn cúng ông Táo thường bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng, 1 con cá chép rán hoặc cá chép sống, 1 bát canh mọc hoặc canh măng, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã.
“Hiện nay do cuộc sống bận rộn nên mâm cỗ cúng ông Táo Quân cũng đơn giản hơn, không nhất thiết phải có đầy đủ các món ăn trên. Ngoài vàng mã thì tùy theo từng gia cảnh, người ta hoặc làm mâm cỗ mặn cúng ông Táo (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo Quân”, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.