Được “mục sở thị” vườn cam rộng cả héc ta ngay sau căn nhà kiến cố “cũng được xây dựng nhờ tiền bán cam mấy năm trước” của ông Thành, chúng tôi tận mắt thấy cây nào, cây nấy quả sai lúc lỉu.
Chỉ vào một cây cam, gốc to hơn bắp chân người lớn, ông Thành phấn khởi khoe: “Các chú đã thấy vườn cam nào cây to và đều như này chưa? Có được vườn cam như thế này là cả một quá trình lao động vất vả và sáng tạo đấy. Muốn vườn cam phát triển tốt, cho nhiều quả thì phải trồng theo khoảng cách hợp lý. Vườn cam nhà tôi, cây cách cây 4m, hàng cách hàng 4 m, thẳng và đều tăm tắp. Cây nào cũng trĩu quả, có cây thu gần 2 tạ quả/vụ...”.
Vườn cam nhà ông Thành, cây nào cũng trĩu quả, trái vàng ươm rất đẹp mắt.
Theo ông Thành, trồng cam chỉ vất vả những năm đầu. Khi mới trồng thì việc chăm sóc vườn cam không khác nào “chăm con mọn”. Bởi khi đó cây còn nhỏ, sức đề kháng kém nên mất nhiều công chăm bón, làm cỏ.
“Những năm đầu trồng cam, vợ chồng tôi đầu tắt mặt tối cả ngày bên vườn cam. Hết nhổ cỏ rồi lại quay sang bón phân, chăm sóc tỉa cành, vườn cam lớn dần theo năm tháng trong sự phấn khởi của vợ chồng tôi... Niềm vui và lòng đam mê của tôi được nhân lên khi vườn cam đồng loạt cho quả vào năm thứ 3...” – ông Thành vui vẻ nói.
Cam nhà ông Thành quả đều, chín vàng, được khách hàng đánh giá cao.
Khi cho quả cũng là lúc người trồng cam được thảnh thơi hơn. Cây cam có thể chống chọi với mọi hoàn cảnh, kể cả thời tiết khắc nghiệt nhất cây cam cũng sinh trưởng, cho trái.
“Trồng cam cho hiệu quả kinh tế cao gấp chục lần so với trồng lúa, trồng ngô. Trồng 1 ha cam, nếu chăm sóc tốt thì năng suất có thể đạt từ 60 – 120 tấn/vụ. Vườn cam rộng 1 ha của gia đình tôi đã bước sang tuổi thứ 8, năng suất đạt khoảng 70 tấn quả/vụ. Vào thời kỳ sung sức, từ tuổi thứ 9 – 11, năng suất cam lòng vàng có thể lên đến 120 tấn/ha/vụ...” – ông Thành cho hay.
Chỉ bán lẻ mà có ngày ông Thành bán được cả tấn cam.
Khác với nhiều hộ trồng cam ở thị trấn Cao Phong, ông Thành không đổ buôn cho thương lái mà bán lẻ cho khách thập phương. Ông Thành có lợi thế là nhà mặt phố nên thuận tiện cho việc bày bán cam ngay trước cửa nhà. Vào vụ cam, ngày nào ông cũng hái, bày cam lên sạp, đặt trước cửa nhà bán cho khách đi đường. Nhiều người qua đây, dừng lại mua cam, tò mò muốn thăm vườn cam đều được ông dẫn đi xem.
Vườn cam rộng 1ha của ông Thành hiện đã bước sang tuổi thứ 8, năng suất đạt khoảng 70 tấn/vụ.
“Nhìn vườn cam ngút tầm mắt, cành nào cũng trĩu quả, ai cũng trầm trồ khen ngợi và không muốn quay ra. Cam lòng vàng vỏ mỏng, ngọt lịm, được khách hàng ưa chuộng, chỉ bán lẻ thôi mà có ngày tôi bán được cả tấn cam. Tôi bán lẻ với giá dao động từ 25 – 30.000 đồng/kg. Mấy năm gần đây, vụ cam nào tôi cũng thu trên dưới 1 tỷ đồng...” – ông Thành thổ lộ.
Ông Thành trồng giống cam lòng vàng, vỏ mỏng, bán giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Chia sẻ bí quyết trồng cam, ông Thành cho biết ông thường dùng phân trâu, phân bò để bón cho cam và bón làm nhiều lần trong năm, đảm bảo cân đối giữa các thời kỳ, giúp cho cây cam sinh trưởng, phát triển tốt.
“Ngoài bón phân hợp lí, tôi thường xuyên thăm nom, kiểm tra tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Vào thời kỳ cam ra quả non, thường xuất hiện loại nhện đỏ phá hoại nên tuyệt đối không được lơ là. Khi phát hiện nhện đỏ tấn công là phải diệt trừ ngay và phải sử dụng đúng thuốc... Có như vậy vườn cam mới phát triển tốt, cho nhiều quả được...” – ông Thành bảo vậy.
Để có cam bán vào dịp cuối năm, ông Thành còn mua thêm 4.000 m2 đất để trồng giống cam V2. “Cam V2 là giống cam chín muộn và ngon nên giá có thể lên tới 120 ngàn đồng/kg. Giống V2 thường chín vào tháng 11 đến tháng 1 âm lịch, khi ấy cam lòng vàng đã hết mùa nên giá cam V2 cao. Các hộ trồng cam nên biết cách xen canh giữa giống lòng vàng và giống V2 thì vụ cam có thể kéo dài tới 4 tháng. Đặc biệt là sẽ có cam ngon phục vụ dịp tết nguyên đán hàng năm” – ông Thành chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.