Cải cách tiền lương: Thực hư chuyện bãi bỏ lương cơ sở từ năm 2026?
Thực hư chuyện bãi bỏ lương cơ sở từ năm 2026?
Thùy Anh
Thứ ba, ngày 13/08/2024 19:00 PM (GMT+7)
Đề án cải cách tiền lương đã phải lùi lại đồng nghĩa với việc chưa thể bãi bỏ mức lương cơ sở đang áp dụng để trả lương cho công chức, viên chức. Vậy lương cơ sở sẽ được áp dụng đến khi nào?
Từ 1/7/2024, thay vì cải cách tiền lương, Bộ Chính trị quyết định tăng lương cơ sở từ 1,890 nghìn lên 2,34 triệu đồng. Điều này có nghĩa là mức lương cơ sở tiếp tục được duy trì. Tuy vậy, Bộ chính trị vẫn quyết định tiếp tục chuẩn bị tiền đề cho cai cách tiền lương, trong đó có việc xây dựng thang bảng lương (5 bảng lương); 9 khoản phụ cấp và vị trí việc làm để thực hiện cải cách tiền lương trong tương lai.
Cụ thể, tại khoản 5.2 Điều 5 Kết luận 83-KL/TW, Bộ Chính trị có nội dung:
Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Như vậy, khi xây dựng xong 5 bảng lương mới thì sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng để làm căn cứ tính lương, phụ cấp và các khoản khác căn cứ vào lương cơ sở. Bảng lương mới sẽ phải dựa trên vị trí việc làm cụ thể.
Tuy nhiên, theo quy định này, Bộ Chính trị giao cho Ban Kinh tế Trung ương đề xuất thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới trình Trung ương xem xét sau 2026 nhưng phải thực hiện sau khi có đánh giá sự phù hợp, tính khả thi của việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW.
Kể từ 1/7/2024, Chính phủ quyết định tăng lương cơ sở từ 1,980 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.
Như vậy, mức tăng lương cao nhất thuộc về nhóm công chức, viên chức A3 có hệ số lương 8 chấm, đạt gần 19 triệu đồng (chưa kể phụ cấp), tăng hơn 4 triệu đồng so với mức cũ.
Mức tăng lương cơ sở thấp nhất là khoảng 800 nghìn đồng/tháng thuộc về nhóm công chức có trình độ trung cấp trở xuống (công chức C1), hệ số lương là 1,65, bậc 1. Dù được tăng lương nhưng nhóm này cũng chỉ đạt 3,8 triệu đồng (tăng được gần 900 nghìn đồng so với trước đó).
Như vậy, việc lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng chỉ áp dụng đến năm 2026 hiện mới chỉ dừng ở chủ trương của Bộ Chính trị, cần xem xét thêm nhiều yếu tố về tính khả thi, về sự phù hợp hoặc sau khi thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị thì mới thực hiện được.
Ưu tiên tăng lương cơ sở trước khi cải cách tiền lương
Trước đó, từ ngày 1/7/2024, theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng và hoãn cải cách tiền lương.
Đây cũng là tinh thần của Kết luận 83-KL/TW do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành: Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) kể từ ngày 1/7/2024.
Do đó, cần phải theo dõi các văn bản mới nhất của các Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ, ban, ngành liên quan về vấn đề này để cập nhật mới nhất quy định liên quan đến cải cách tiền lương. Và nếu thực hiện theo tinh thần tại Kết luận 83 thì sau năm 2026 sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và thực hiện triệt để cải cách tiền lương.
Bình luận về ý kiến này, khi chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội từng cho rằng, việc chưa cải cách được tiền lương do nguyên nhân khách quan là chưa thể ban hành được vị trí việc làm cũng như thiết kế được bảng lương là có thể chấp nhận được. Lý do là bởi đây là việc làm chưa từng có trong tiền lệ.
"Việc xác định vị trí việc làm rất khó, xác định rồi căn cứ vào đâu để đánh giá, ai sẽ thẩm định phê duyệt, chuyên môn nào để kiểm định… vì thế không nên vội vàng. Cần nghiên cứu thật kỹ", ông Lợi nói.
Như vậy, có thể hiểu việc bãi bỏ tiền lương cơ sở chỉ được thực hiện khi nhà nước thực hiện cải cách tiền lương, ban hành được bảng lương mới.
Trước đó, chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho rằng, hiện nay không có quốc gia nào trên thế giới áp dụng tính lương bằng mức lương cơ sở. Việc duy trì mức lương cơ sở là không có căn cứ, lỗi thời. Vì vậy, về lâu dài nên xây dựng lại cách tính lương dựa trên vị trí việc làm, thực hiện cải cách tiền lương sớm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.