Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Clip: Ông Đặng Quý Sín, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà (Lào Cai) chia sẻ về hiệu quả của cây quế mang lại, giúp người dân nâng cao thu nhập. Thực hiện: Bình Minh
Trên những con đường bê tông trải phẳng lì ở Nậm Đét, không khó để chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà mái bằng xây 2 đến 3 tầng, mái Thái khang trang, to, đẹp. Thật bất ngờ, ở xã xa xôi của huyện Bắc Hà, lấp ló phía sau những cánh rừng lại là những ngôi nhà tiền tỷ.
Tình cờ gặp ông Đặng Quý Sín ở trung tâm xã Nậm Đét, người đàn ông 55 tuổi chất phác, cởi mở mời chúng tôi về nhà. Cách UBND xã 5km, ngôi nhà mái Thái của ông Sín sơn màu trắng sữa nằm ngay cạnh trục đường liên xã.
Tiếp chúng tôi như người thân trong nhà đi xa lâu ngày trở về, ông mời nước, rồi dẫn chúng tôi lên vườn quế sau nhà, ông chia sẻ tất tần tật về thăng trầm từ khi cây quế hiện diện ở Nậm Đét.
Người đàn ông dân tộc Dao thật thà bảo, nếu không có cây quế thì có lẽ bây giờ người dân ở Nậm Đét sẽ vẫn chìm trong đói nghèo.
Ông nhớ lại, khoảng những năm 1980, người dân ở Nậm Đét khổ lắm, nghèo lắm, chỉ biết đốt nương, làm rẫy để trồng ngô, sắn, lúa nương..., thiếu đói quanh năm.
"Hồi đó, cụ Triệu Mùi Pham đang làm Bí thư Chi bộ đã mang cây quế từ Yên Bái về Nậm Đét trồng thử nghiệm và thành công. Từ đó, người dân chúng tôi đã bỏ ngô, sắn, lúa nương để trồng quế. Cứ chỗ nào đất trống là đặt cây quế xuống", ông Sín hồi tưởng.
Nói xong, rồi ông Sín cũng thở dài, để có được cơ ngơi là vườn quế cổ thụ 20-30 năm như ngày hôm nay ông cũng đã phải bỏ biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt. Do quế là cây trồng lâu năm, nhanh cũng phải mất 5-7 năm mới được thu hoạch nên không ít hộ ở Nậm Đét không đủ "sức" để chờ ngày hái quả, nhất là khi giá quế xuống thấp, họ đành phá bỏ. Lúc đó, tôi động viên gia đình, cố gắng duy trì, chăm sóc, rồi "đất cũng không phụ lòng người".
"Nhìn những cây quế bé xíu mỗi ngày đâm chồi, xanh tốt, vươn lên giữa mảnh đất nghèo đói lại càng tiếp thêm động lực để tôi cố gắng hơn", ông Sín chia sẻ với Dân Việt.
Hơn 40 năm gắn bó với cây quế, ông Sín đang sở hữu hơn 5 ha, điều đặc biệt là toàn bộ diện tích quế đều được trồng theo hướng hữu cơ.
Vui mừng chia sẻ với chúng tôi, ông Sín bảo đầu năm vừa rồi mới bán vo cho thương lái vườn quế diện tích hơn 1ha đã thu về hơn 300 triệu đồng. Ông bảo, có năm, chỉ một cây quế hơn 20 năm tuổi cũng cho thu 30 triệu đồng tiền bán hạt.
Đối với diện tích quế cổ thụ 20-30 năm tuổi, ông Sín cho biết, sẽ giữ gìn như "báu vật" và không bao giờ bán. Ôm cây quế 20 năm tuổi trọn trong lồng ngực, ông Sín cười tươi thỏa mãn, bấy lâu nay ông vẫn coi chúng như những người bạn thân. Chúng tôi nhìn người đàn ông này yêu cây quế như vậy thì cũng thấy mừng thay cho dân Nậm Đét.
Theo lời ông Đặng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Nậm Đét, khoảng 40 năm về trước cây quế đã được trồng tại xã Nậm Đét, nhưng diện tích quế không được người dân và chính quyền địa phương chú trọng phát triển, bởi sản phẩm quế chưa phải là hàng hóa. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, số hộ tham gia trồng quế ngày càng nhiều, diện tích quế theo đó được mở rộng.
Đặc biệt, nhờ cây quế nhiều gia đình đã thoát nghèo, trở nên khá giả, không ít hộ trở thành tỷ phú, do đó, cây quế đã dần trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương. Minh chứng rõ nhất là, năm 2010 từ tiền bán quế, toàn xã thu về chưa đạt 1 tỷ đồng, thì đến năm 2022, theo thống kê của địa phương doanh thu từ cây quế đã mang về cho bà con nhân dân trong xã trên 62 tỷ đồng.
“Trồng cây quế rất có lợi, cây quế có thể sử dụng vào nhiều việc khác nhau như: Vỏ được thu mua làm thuốc; thân cây quế có thể sử dụng thành cây chống cốp pha; cành, lá được người dân tận dụng để chiết xuất tinh dầu quế… Chính vì vậy, kể cả chưa đến kỳ thu hoạch, bà con vẫn có nguồn thu thường xuyên từ việc tỉa cành lá để bán”, Chủ tịch xã Nậm Đét Đặng Xuân Phương cho hay.
Một thời gian dài, hộ gia đình anh Triệu Kim Vảng, dân tộc Dao ở thôn Nậm Tống Hạ là một trong những hộ nghèo của xã Nậm Đét. Gia đình anh Vảng có khoảng 1 ha lúa, cố gắng lắm, mỗi năm gia đình anh cũng chỉ đủ lương thực ăn. Nếu gặp năm có thiên tai, bão lũ, thì nguy cơ mất mùa thiếu đói luôn rình rập.
Cách đây hơn chục năm, anh Vảng mạnh dạn đưa 4 ha đất đồi của gia đình vào trồng cây quế. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng đúng kỹ thuật trồng quế, đồi quế gia đình anh Vảng phát triển, mang lại nguồn thu nhập cao.
“Ngôi nhà 3 tầng xây hết gần 1 tỷ đồng và toàn bộ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, xe máy... đều là từ tiền bán quế của gia đình. Ngoài ra, gia đình mình còn có một khoản tiết kiệm nữa”, anh Vảng khoe với chúng tôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.