Cải thiện đời sống người dân để giữ được rừng

Anh Thơ Chủ nhật, ngày 02/12/2018 06:30 AM (GMT+7)
Khu vực phía Bắc có nhiều tiểu vùng sinh thái, đồng thời là khu vực trọng điểm phát triển trồng rừng nguyên liệu. Tuy vậy, sản xuất lâm nghiệp trong khu vực còn nhỏ lẻ, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn.
Bình luận 0

6.046 vụ vi phạm được phát hiện

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 31.12.2017, tổng diện tích có rừng của khu vực phía Bắc (gồm 31 tỉnh) là 8,735 triệu ha, trong đó, rừng đặc dụng 1.155.977ha; rừng phòng hộ 2.805.000ha; rừng sản xuất 4.253.080ha; rừng ngoài quy hoạch 521.285ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng năm 2017 đạt 49,84%.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2018; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2019 các tỉnh khu vực phía Bắc do Bộ NNPTNT tổ chức tại Cao Bằng ngày 30.11.2018, ông Cao Chí Công – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), cho biết, tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua giảm mạnh, có sự chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương, góp phần giảm 15% số vụ vi phạm và 33% diện tích thiệt hại trong năm 2018.

img

 Trồng thảo quả dưới tán rừng tại Lai Châu. ảnh tư liệu

Theo thống kê của 31 tỉnh khu vực phía Bắc, đến hết ngày 30.11.2018, đã phát hiện 6.046 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, chiếm 49% số vụ vi phạm cả nước, giảm 1.098 vụ (15%) so với năm 2017; diện tích rừng bị thiệt hại 452ha, giảm 223 ha (33%) so với năm 2017. Tổng số vụ đã xử lý là 5.378 vụ, trong đó: khởi tố hình sự 66 vụ, xử lý hành chính 5.312 vụ.

Tuy vậy, theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nếu không được rà soát chặt chẽ có thể khiến quá trình bảo vệ, phát triển rừng bị ảnh hưởng. Theo đó, khu vực phía Bắc hiện có 29/31 tỉnh báo cáo các dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; số lượng dự án lên tới con số 2.259; có 83.959ha rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng (trong đó rừng tự nhiên  là 21.155ha). Hiện đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên tại 12 tỉnh, với 53 dự án, diện tích rừng 506ha.

Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An cũng cho biết, trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng băm nhỏ quy hoạch, “lách luật" để chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích lớn rừng thông nằm trong diện rừng phòng hộ.

Ông Cao Chí Công thừa nhận, tình trạng phá rừng trái pháp luật, đặc biệt phá rừng tự nhiên để trồng rừng, khai thác lâm sản vẫn diễn ra ở một số nơi, nhiều vụ việc phá rừng diễn ra với quy mô lớn, trong thời gian dài nhưng chậm bị phát hiện và xử lý. Chủ rừng còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, việc cập nhật, báo cáo diện tích rừng bị phá không trung thực; không nghiêm túc thực hiện việc khắc phục hậu quả đối với diện tích rừng bị phá.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Duẩn – Phó Chi cục Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, một trong những nguyên nhân khiến công tác bảo vệ, phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn là do chế độ, chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn khá thấp, không thể tạo động lực cho họ gắn bó với rừng.

Gắn bảo vệ rừng với phát triển sản xuất

Đó là kiến nghị của hầu hết các địa phương để có thể quản lý, phát triển rừng bền vững. Đại diện Chi cục Kiểm lâm 

Bình quân thu nhập của những người bảo vệ rừng chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, trong khi tính chất công việc lại vất vả, nguy hiểm nên rất nhiều người không còn mặn mà. Theo số liệu chúng tôi vừa cập nhật, đã có 50 – 60 trường hợp xin ra khỏi ngành”.
Ông Nguyễn Văn Duẩn – Phó Chi cục Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình

tỉnh Yên Bái cho biết, hiện nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng các mô hình trồng, khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ như táo mèo, thảo quả, giúp người dân có thu nhập tương đối ổn định.

Ông Nguyễn Văn Duẩn cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khắc phục sự chồng chéo hiện nay. Bộ NNPTNT cần có các đề án gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người dân sống gần rừng.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh: Năm 2018, ngành lâm nghiệp đã đạt được kết quả khả toàn diện trong quá trình tái cơ cấu, độ che phủ rừng cả nước đạt xấp xỉ 42%, trong đó 31 tỉnh khu vực phía Bắc đạt tới 49,84%. Kết quả bảo vệ rừng rất khả quan, cả nước giảm 25% số vụ, 40% diện tích thiệt hại nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư, của Chính phủ và việc thực hiện đồng bộ các giải pháp. “Nhưng như thế không có nghĩa chúng ta hài lòng mà tiếp tục phải tìm giải pháp nâng cao chất lượng cả về trữ lượng gỗ lâm sản và tính đa dạng sinh học, nâng cao khả năng hấp thụ các bon” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, trong thời gian tới, cần cố gắng kiềm chế các vụ khai thác rừng trái phép, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thời gian tới chuẩn bị bước vào mùa khô, cần tăng cường tuần tra kiểm soát phòng cháy chữa cháy; lực lượng kiểm lâm phải là tổng chỉ huy về lâm nghiệp trên địa bàn, đảm bảo việc minh bạch chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu cho đủ, không để các đơn vị chây ỳ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem