"Cãi vợ" đổi nhà lấy đồi rậm rạp, lão gàn vùng biên giờ "sống khoẻ"

Mộc Trà Thứ bảy, ngày 20/10/2018 13:30 PM (GMT+7)
Từ một người bị thiên hạ gọi là “dở người” vì đổi đất nền nhà cạnh đường quốc lộ chỉ để lấy khu đồi rậm rạp giờ, nhưng đây "lão gàn" Hoàng Viết Sằm ở thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) lại đang thu hái được nhiều trái ngọt cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khu đồi rậm năm nào giờ đã là khu vườn hồng trĩu quả, cho thu hàng trăm triệu/năm.
Bình luận 0

Là một người đi tiên phong trong trồng hồng vành khuyên, ông Sằm cho biết, gia đình ông đã trồng hồng này được hàng chục năm nay. Gần đây, loại hồng vành khuyên được ưa chuộng, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua, thậm chí gọi điện đặt trước từ giữa tháng 8 âm lịch.

Dẫn chúng tôi thăm khu rừng rậm năm nào, lão nông Sằm nhớ lại: “Nơi này trước đây là khu đồi cây tạp rậm rạp, ai cũng bảo tôi dở người thích vào rừng ở, đâu ai ngờ giờ có vườn hồng trĩu cành như bây giờ”.

img

Giống hồng vành khuyên sai trĩu cành do thích hợp với điều kiện và thổ nhưỡng ở vùng giáp biên này.

“Chẳng ai biết hồng vành khuyên có ở đây từ khi nào, chỉ biết khởi nguồn của loại cây đặc sản này là từ thôn Nà Mò. Từ nhỏ, chúng tôi đã thấy ở trung tâm thôn có cây hồng rất to, thân cây gần hai người ôm và tán rộng xum xuê. Người Nà Mò gọi đây là cây hồng “Tổ”...", ông Sằm nhớ lại.

Theo ông Sằm quả hồng ở cây Tổ thơm, có vị ngọt mát, nhìn bề ngoài quả căng tròn, vỏ bóng đẹp. Từ cây hồng  Tổ vành khuyên ban đầu ấy, người dân trong thôn xén rễ về ươm. Để đảm bảo không ảnh hưởng đến cây Tổ, trong làng có quy định chặt chẽ về việc xén rễ. Cây ươm mất 1 năm, đưa lên đồi trồng và chăm sóc cẩn thận thì 4 năm sau có quả.

Giờ thì cây hồng “Tổ” không còn và nhiều gia đình đã chuyển sang phương pháp nhân giống bằng ghép mắt, nhưng cây ghép thường không bền cây bằng phương pháp nhân giống từ rễ. Ban đầu ở Nà Mò chỉ dăm nhà trồng, chủ yếu để ăn, làm quà. Thế rồi cũng bởi vị ngon rất đặc trưng mà hồng vành khuyên được nhiều người hỏi mua. Diện tích hồng vành khuyên cũng vì thế mà tăng nhanh.

img

Khu rừng rậm năm xưa giờ đây được ông Sằm phủ khắp là hồng, khi chín làm sáng cả vạt rừng.

Nắm bắt được sở thích của người tiêu dùng và thấy thị trường ưa cuộng loại trái cây này, ông Sằm đã “cãi vợ” đổi nền nhà lấy khu đồi rậm để trồng hồng. “Hồi đó, làng xóm xì xào bảo ông này dở người, ngoài đường to không thích lại thích chui vào rừng ở. Còn bà nhà tôi hồi đó cũng trách là sao đổi đất lấy rừng rậm làm gì”, ông Sằm nhớ lại.

img

Với suy nghĩ làm giàu từ trồng cây ăn quả, ông bắt đầu phát cây dại, cải tạo đất để trồng hơn 2.5ha hồng vành khuyên trên khu đồi hoang cây tạp rậm rạp. Và giờ đây, gia đình ông thu hoạch được những trái hồng vành khuyên ngọt lịm.

Nói về quy trình trồng hồng ông Sằm cho biết: Giống hồng này ưa sống tại đất tại vùng đồi núi, cao và thoải, vừa có khả năng thấm hút tốt nhưng cũng phải thoát nước tốt. Trước khi trồng thì đất cần được chuẩn bị trước, cày xới tơi xốp, loại bỏ cỏ dại. Hồng là loại cây có tán khá rộng nên người trồng cần đảm bảo khoảng cách giữa các cây trên 7m để tạo sự thông thoáng về mặt ánh sáng.

“Cách chăm sóc hồng rất đơn giản, ít chi phí, không cầu kỳ như các loại cây ăn quả khác, 1 năm chỉ phải bón phân 2 lần. Khi hồng phát lộc từ tháng 2 – 3 âm lịch, ở thời điểm cây ra hoa, tôi bón phân đạm ở gốc và phun phân bón lá để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây nuôi quả; đến đầu tháng 8 dương lịch thì quả hồng bắt đầu chín...”, ông Sằm cho biết.

img

Theo ông Sằm, trung bình sau 4 năm trồng và chăm sóc thì cây hồng vành khuyên bắt đầu cho bói quả.

Hiện nay, loại hồng này trên thị trường còn ít nên cứ đến vụ thu hoạch các thương lái đều vào tận vườn thu mua, đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định. “Đầu vụ, hồng vành khuyên bán được giá 20.000 đồng/kg, giữa vụ giá cũng không giảm nhiều, còn khoảng 16.000-18.000 đồng/kg. Với hơn 10 tấn quả hồng vành khuyên, tôi thu được trên 160 triệu đồng/năm”, ông Sằm vui vẻ nói. Ngoài ra ông Sằm còn làm cây giống bán cho người dân các vùng lân cận và các tỉnh thành như Hưng Yên, Bắc Giang.., mỗi năm thu thêm vài chục triệu đồng.

img

Hồng vành khuyên sau khi thu hái từ vườn về sẽ được thương lái thu mua tại nhà.

img

Những trái hồng vàng óng, căng bóng luôn hấp dẫn các thương lái và khách hàng.

Huyện biên giới Văn Lãng xưa nay vốn nổi tiếng bởi đặc sản hồng không hạt, quả vàng giòn và ngọt. Giống hồng vành khuyên thuộc nhóm hồng ngâm, đã được trồng lâu đời có quả to, tròn, căng mịn và có một vành khuyên xung quanh núm quả.

Khi quả hồng càng già, núm vành khuyên càng hiện rõ. Nhận thấy hiệu quả từ giống cây ăn quả không hạt này, dân trong vùng cũng mở rộng diện tích trồng hồng đem lại thu nhập cao mỗi năm. Với vị ngọt mát, thơm ngon đặc trưng và mẫu mã đẹp, hồng vành khuyên đã trở thành một trong những loại cây đặc sản của xứ Lạng, là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện nghèo Văn Lãng nơi biên giới..

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem