Người đàn bà mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây là cụ Ngô Thị Ngoan (77 tuổi), trú tại thôn Tiên Lý 2, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Suốt gần 60 năm qua, ngoài tự thân vất vả lo miếng cơm manh áo, cụ Ngoan còn khổ tâm mỗi khi trái gió, trở trời phải hiu quạnh, nuối tiếc về một tổ ấm gia đình.
Cụ Ngoan sống cô đơn trong căn nhà tuềnh toàng của mình.
“uống nước lã để cầm hơi”
Bị tật nguyền bẩm sinh nhưng cụ Ngoan vẫn gắng gượng làm các công việc thường nhật hằng ngày. Trong căn nhà nhỏ cũ nát siêu vẹo và rêu mốc theo thời gian, để có thể loanh quanh phục vụ cho bản thân, cụ phải khó nhọc di chuyển thân mình chỉ bằng đôi bàn tay lê lết đến tím tái.
Ngồi thu mình trong góc bếp tạm bợ, chằng chịt những lớp bồ hóng, cụ Ngoan đặt tạm nồi canh lên chiếc kiềng mỏng rồi khẽ đưa bàn tay khô gầy lau nơi mí mắt vốn kèm nhèm mờ nhoà của tuổi già. Cụ tâm sự: Được sinh ra trong gia đình có 3 anh em, nhưng bà là người có số phận bất hạnh nhất. Từ lúc mới chào đời bà đã bị khiếm khuyết ở đôi chân. Rồi cứ thế, cho đến những năm tháng về sau, khi tuổi đã già bà vẫn trong cảnh cô đơn, một mình gắng chịu lại giông tố cuộc đời.
Bố mẹ mất sớm, tiếp đó là người anh cả cũng ra đi, duy nhất cụ Ngoan lúc đó chỉ còn lại một người anh.
Ngày người anh thứ hai lập gia đình và ở riêng, chỉ còn mình cụ sống cô độc trong nghèo nàn và đẫm nước mắt. Suốt gần 60 năm qua, để tồn tại đến bây giờ, những bữa ăn tam bợ của cụ chỉ là vầng cơm nguội ngặm, đôi khi uống cả nước lã cầm hơi. “Nhiều hôm gần hết gạo tôi cũng chẳng dám ăn 2 bữa. Hôm vừa rồi có một sư thầy chùa Hà Nam tốt bụng lắm, vào chơi còn cho tiền và mua thêm cho quả dưa hấu to. Ngon quá, tôi ăn mãi mới hết đấy” – Cụ Ngoan tâm sự.
Cụ Ngoan nay đã 77 tuổi, đôi chân bị tật nguyền.
Chúng tôi quan sát trong căn nhà chật chội mà cụ đang ở, thứ tài sản đáng giá trị nhất có lẽ là chiếc nồi cơm điện cũ kỹ được người cháu họ mang cho. Ngoài ra không có gì cả, nhìn lên đôi ba hàng mái ngói rêu đã bám xanh rì, lắm chỗ xuất hiện lỗ hổng in rõ vệt nắng cuối chiều như vây hãm một kiếp người.
Bị tàn tật, tuổi cao nhưng cụ vẫn tự phải gắng làm mọi công việc từ đun nước đến giặt giũ, phơi quần áo… cùng trợ giúp cho cụ trong tất cả mọi công việc chỉ là một chiếc gậy. Những lúc trái gió trở trời, mùa đông lạnh giá, một mình cụ chỉ biết nằm co quắp bởi đôi chân tật nguyền không thể duỗi ra được. Rét và đói cùng sự cô đơn khiến bà nhiều lúc muốn tìm đến cái chết để giải thoát số phận mình.
Cô quạnh tuổi già
Gần 60 năm đối với cụ là quãng thời gian vô cùng tủi buồn. Thân thể cụ tật nguyền, tong teo chỉ vỏn vẹn 20kg lại mang đủ căn bệnh trong người khiến cụ đau ốm triền miên. Năm ngoái cơn bão số 8 ập về, mái nhà tranh của bà bị tốc mái, đổ tường. Ngồi thu lu trong góc gường cụ chỉ biết ú ớ, hoảng sợ thở không ra hơi. May mắn sao những người hàng xóm biết được đưa cụ thoát ra kịp thời.
Vật trợ giúp duy nhất trong công việc hằng ngày của cụ chỉ là chiếc gậy tre.
Trước tình cảnh “cơm niêu nước lọ” của cụ, bà con hàng xóm trong thôn vẫn thương tình, qua lại hằng ngày giúp đỡ. Tuy nhiên cũng chỉ là phần nào. Giờ đây đối với cụ Ngoan có lẽ điều bình dị mà cụ hằng mong nhất như bao người khi tuổi già là một tổ ấm gia đình. “Giá như ông trời cho tôi lành lặn như bao người phụ nữ khác thì tôi đã có quyền được làm mẹ, làm bà rồi. Nếu số phận tôi vẫn không tàn tật mà vẫn không có chồng, thì tôi cũng sẽ nhận một đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà. Nghĩ cho cùng, mơ ước vẫn chỉ là mơ ước cháu ạ” – Cụ Ngoan mắt rớm lệ khi ngẫm về cuộc đời mình như một nốt nhạc buồn vĩnh cửu.
Ông Nguyễn Văn Léo, trưởng thôn Tiên Lý 2, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục xác nhận: “Trường hợp bà Ngoan thuộc diện khó khăn nhất xã chúng tôi. Hiện tại bà được hưởng chế độ trợ cấp dành cho người tàn tật là 270.000 đồng/tháng. Tuy nhiên với tuổi già ốm đau như vậy, nên số tiền ấy không thấm vào đâu so với tiền mua thuốc men. Qua đây tôi cũng mong muốn có nhiều tấm lòng hảo tâm biết đến, để cùng giúp đỡ cho bà vơi bớt nỗi khổ tuổi xế chiều”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.