Cẩm Giàng (Hải Dương): Vì sao có chợ mới khang trang, người dân vẫn tràn ra đường họp chợ?

Thi Ngọc Thứ hai, ngày 20/12/2021 15:21 PM (GMT+7)
Một số tiểu thương đang kinh doanh tại chợ thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng, Hải Dương) phản ánh: Họ không muốn di dời từ chợ dân sinh cũ vào chợ mới với lý do chợ cũ là chợ lâu năm, gần đường giao thông, tiện lợi kinh doanh buôn bán.
Bình luận 0

Quen họp ở chợ cũ, lụp xụp vì tiểu thương chưa quen chợ mới

Ghi nhận của PV Dân Việt vào khoảng 8 giờ sáng ngày 11/12 tại khu vực xung quanh chợ Phú Lộc. Đây là khu chợ nằm ven đường tỉnh lộ 394C, đoạn qua xã Cẩm Vũ tại vị trí giao nhau với đường tỉnh lộ 394, phía trong chợ hiện tồn tại nhiều gian hàng có diện tích chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. 

Đặc biệt, một số chỗ mái che còn rất tạm bợ, lụp xụp không đảm bảo an toàn nếu không may xảy ra mưa bão.

Hải Dương: Chợ dân sinh chật hẹp, dân thà tràn ra đường bán hàng chứ không vào chợ mới - Ảnh 1.

Khu vực bán hàng phía trong chợ Phú Lộc. Ảnh:Thi Ngọc

Hải Dương: Chợ dân sinh chật hẹp, dân thà tràn ra đường bán hàng chứ không vào chợ mới - Ảnh 2.

Quang cảnh bên trong chợ Phú Lộc. Ảnh: Thi Ngọc

Bên cạnh đó, do diện tích chợ hạn hẹp (khoảng 1.500m2), nhiều tiểu thương phải bày hàng ra đường bán. Các mặt hàng chủ yếu là rau và hoa quả. Dưới lòng sông gần khu vực bán hàng có nhiều rác thải gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Việc người dân lấn chiếm vỉa hè và lề đường để họp chợ ngay nút giao thông gây cản trở cho các phương tiện qua lại.

Hải Dương: Chợ dân sinh chật hẹp, dân thà tràn ra đường bán hàng chứ không vào chợ mới - Ảnh 3.

Người dân tràn ra ngoài đường họp chợ. Phía dưới sông rhiều rác thải gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan nông thôn. Ảnh: Thi Ngọc

Được biết, việc di chuyển chợ Phú Lộc nằm trong kế hoạch của địa phương khi được công nhận nông thôn mới năm 2018. Tuy nhiên, đến nay địa phương này vẫn chưa thực hiện được.

Ghi nhận thực tế, cách chợ Phú Lộc hiện nay khoảng 200m, có một ngôi chợ mới mang tên "Chợ Phú Lộc" rất khang trang, sạch sẽ và kiên cố với tổng diện tích khoảng hơn 4.000m2, tương ứng với 180 kiot. Chợ mới nằm cách đường tỉnh lộ 394C khoảng 100 mét, tiện đường giao thông, đi lại an toàn. 

Các gian hàng ở đây được chia theo khu phù hợp với nhu cầu mua bán của người dân như khu rau quả, thực phẩm tươi sống, khu thịt gia súc, gia cầm… Hệ thống chiếu sáng, hệ thống phòng chống cháy nổ, nguồn nước được bố trí hợp lý, khoa học.

Tuy nhiên, người dân chợ Phú Lộc hiện tại không muốn di dời vào chợ mới.

Hải Dương: Chợ dân sinh chật hẹp, dân thà tràn ra đường bán hàng chứ không vào chợ mới - Ảnh 4.

"Chợ Phú Lộc" mới cách chợ cũ khoảng 200m. Ảnh: Thi Ngọc

Trao đổi với PV báo Dân Việt, chị M.T H, một tiểu thương của chợ Phú Lộc cho biết, chợ Phú Lộc hiện nay là chợ lâu năm của người dân Phú Lộc và đã trải qua một số lần di dời do một số lý do. Chợ có các phiên chính vào các sáng ngày 2 và ngày 7 âm lịch như mùng 2, 12, 22 và mùng 7, 17, 27 âm lịch hàng tháng. Vào những ngày chợ phiên, không chỉ có người dân địa phương mà còn có nhiều người từ các vùng lân cận đến mua bán các loại cây giống, con giống.

Theo chị H., đây là văn hóa của địa phương nên không muốn thay đổi. Các tiểu thương quen buôn bán ở đây nên không muốn di dời đi chỗ khác. Hơn nữa chị H. và một số tiểu thương cho rằng, chợ mới là của Công ty Tây Bắc, không phải của dân nên họ không muốn chuyển vào đó. 

Chị V.T.N, một tiểu thương khác ở chợ Phú Lộc cho biết, lý do họ không muốn chuyển vào chợ mới do phát sinh thêm chi phí (phí quản lý chợ theo quy định của Nhà nước- PV), chợ mới lại không nằm sát đường như hiện nay.

"Quê tôi gọi chợ này là chợ đồng hồ do lượng người mua bán ít, lại diễn ra chớp nhoáng vì họ còn bận đi làm công ty, làm đồng áng. Chuyển vào chợ mới thì khang trang, sạch sẽ hơn nhưng nếu bán hàng mà không có người vào mua nên chúng tôi cứ phải bám sát đường là vì vậy. Hơn nữa, chuyển vào chợ mới lại phát sinh thêm chi phí mà lời lãi có được là bao", chị N.T.H chia sẻ.

Chính quyền địa phương khẳng định chợ mới là của địa phương

Thông tin với PV, ông Nguyễn Hữu Tuấn- Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ cho biết, chợ dân sinh của địa phương đã xuống cấp trầm trọng, không đủ điều kiện tiếp tục hoạt động, việc người dân họp chợ lấn chiếm lề đường đang là vấn đề lãnh đạo địa phương rất trăn trở. Do cần thay đổi thói quen của người dân nên chính quyền phải từng bước vận động để giải quyết dứt điểm.

Về tên "Chợ Phú Lộc", ông Tuấn giải thích, chợ Phú Lộc trước đây được họp tại sân đình Phú Lộc theo cơ chế hợp tác xã mua bán. Sau đó, Hợp tác xã giải tán, nhân dân được vận động ra vị trí hiện nay, chợ là của cả xã Cẩm Vũ.

Trước khi làm quy hoạch chợ, trong tổng thể khu "dân cư thương mại chợ Phú Lộc", chính quyền địa phương đã niêm yết công khai thông tin qui hoạch tại thôn đình Phú Lộc nhiều tháng. Địa phương còn tổ chức cho cán bộ, nhân viên, tiểu thương chợ Phú Lộc đi tham quan chợ Cốc ở tỉnh Bắc Giang để xem mô hình, lấy ý kiến người dân.

Ông Tuấn cho biết: "Chợ Phú Lộc hiện tại nằm ở nút thắt giao thông số 10, thuộc đường tỉnh lộ, diện tích chợ hiện tại quá  nhỏ, không đủ điểu kiện để tiếp tục duy trì. Người dân phải ra cả ngoài đường để họp chợ. Chính vì lẽ đó, địa phương phải chuyển chợ ra vị trí mới to đẹp hơn chứ không thể tôn tạo trên nền chợ cũ như một số tiểu thương yêu cầu".

Hải Dương: Chợ dân sinh chật hẹp, dân thà tràn ra đường bán hàng chứ không vào chợ mới - Ảnh 5.

Chợ Phú Lộc do Công ty CP tập đoàn đầu tư Tây Bắc thi công xây dựng đã bàn giao lại cho địa phương từ tháng 7/2021. Ảnh: Thi Ngọc

Về việc người dân cho rằng chợ Phú Lộc là của Tập đoàn Tây Bắc, ông Tuấn khẳng định, công trình "Chợ Phú Lộc" mới là do Công ty CP Tập đoàn đầu tư Tây Bắc thi công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và đã bàn giao cho UBND huyện Cẩm Giàng và UBND xã Cẩm Vũ từ ngày 16/7/2021. Chợ mới hiện tại hoàn toàn thuộc quyền quản lý, vận hành của địa phương.

Theo chủ trương, các tiểu thương đang buôn bán tại chợ cũ sẽ được ưu tiên sắp xếp vào chợ mới, coi như họ chỉ chuyển từ vị trí này sang vị trí khác chứ không phải mất tiền mua chỗ. Về phí dọn dẹp, vệ sinh môi trường có tăng so với chợ cũ một chút nhưng đó là mức phí theo biểu giá chung của tỉnh quy định. UBND tỉnh cũng đã có qui định cụ thể mức phí sau này sẽ thu đảm bảo công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, để hỗ trợ bà con tiểu thương, trong 2 năm đầu, các tiểu thương của địa phương đang họp ở chợ cũ được miễn phí hoàn toàn, người ở địa phương khác thì được miễn phí 1 năm.

Theo ông Tuấn, hiện nay, số hồ sơ đăng ký ra chợ mới đã lên tới hơn 200 bộ, vượt quá số lượng xây dựng (180 lốt). Tuy nhiên, địa phương vẫn tạo điều kiện để các tiểu thương ở chợ cũ đăng ký trước. Sau khi các tiểu thương này không đăng ký nữa mới nhận người khác.

"Chúng tôi cũng có chính sách hỗ trợ người dân chi phí vận chuyển hàng hóa sang chợ mới và tiền tháo dỡ mái theo m2", ông Tuấn cho biết thêm.

Về mục đích sử dụng diện tích đất của chợ cũ sau khi người dân di chuyển vào chợ mới, ông Tuấn thông tin, một phần (khoảng 200m2) sẽ sử dụng mở nút thắt số 10, phần còn lại (khoảng 1300m2) sẽ làm bãi để xe công cộng theo chủ trương quy hoạch của huyện đã được tỉnh phê duyệt. "Không có chuyện di dời chợ cũ để địa phương và Tập đoàn Tây Bắc lấy đất phân lô bán nền như người dân phản ánh"- ông Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem