Cam go cuộc chiến thương hiệu nông sản

Thứ hai, ngày 07/05/2012 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đã có cuộc đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 5.5, trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản.
Bình luận 0

Trả lời độc giả về vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Quân thẳng thắn nhìn nhận đây là vấn đề rất nóng, mặc dù trong thời gian qua, hoạt động sở hữu trí tuệ của ViệtNam đã có những tiến bộ rõ rệt.

Hiện có tình trạng một số thương hiệu của chúng ta đã bị xâm hại ở nước ngoài. Điều này xuất phát từ nguyên nhân chúng ta là một nước mới thoát khỏi đói nghèo, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới bảo vệ thương hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ của họ. Cho nên chúng ta còn rất thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn lực để làm được việc đăng ký bảo hộ thương hiệu và tài sản trí tuệ của mình ở nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, võng xếp Duy Lợi, thuốc lá Vinataba, cà phê Buôn Ma Thuột…

Liên quan đến việc đưa cây trồng biến đổi gen cũng như khi sử dụng sản phẩm này, theo Bộ trưởng Quân thì phải cần thận trọng dù hiện nay sức ép về dân số, biến đổi khí hậu là rất lớn. Hiện nay một số tập đoàn đa quốc gia đang mong muốn đưa vào VN những cây trồng biến đổi gen. Nhưng các cơ quan quản lý của VN trong đó có Bộ KHCN, Bộ NNPTNT đề xuất với Chính phủ phải có một giai đoạn khảo nghiệm hết sức thận trọng.

Hiện Bộ KHCN đã tiến hành nhiều hoạt động để giành lại thương hiệu này cho doanh nghiệp Việt Nam. “Ví dụ như cà phê Buôn Ma Thuột, hiện nay chúng tôi đang hợp tác với UBND tỉnh Đăk Lăk làm việc với các đối tác nước ngoài để có được thoả thuận phù hợp, giành lại chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho Đăk Lăk. Với Vinataba, chúng tôi đã làm việc và thành công ở một vài địa bàn lấy lại thương hiệu này về cho Vinataba” - Bộ trưởng Quân cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân nếu bị xâm hại, các doanh nghiệp phải hợp tác với các cơ quan quản lý bàn bạc các giải pháp hữu hiệu nhất để giành lại thương hiệu.

Tất nhiên, đây là cuộc đấu tranh đầy cam go, vì theo quy định chung, việc đề xuất đăng ký bảo hộ 1 nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm nào đó, nếu chúng ta không làm, các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài đều có thể đăng ký và được cơ quan quản lý ở nước đó bảo hộ. Cho nên, chúng ta cũng phải tiên lượng, địa bàn nào chúng ta có nhiều sản phẩm đến, khả năng xuất khẩu tốt, phải sớm đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem