Cảm nhận thú vị ở “bản sương giăng“!

Bùi Việt Phương Thứ bảy, ngày 24/01/2015 19:48 PM (GMT+7)
Chiều buông mùa đông giá, sương giăng sớm từ đỉnh đèo như níu chân du khách. Những lều chợ bên thung lũng đã thưa thớt bóng người. Mới chập tối mà sương đã trắng như sữa, cái lạnh đã tràn xuống làng bản giục người ta trở về những bếp lửa ấm nồng và mâm cơm với cá suối nướng,...
Bình luận 0

Ai đã sinh ra ở miền Bắc rồi phải mưu sinh ở phương Nam, mỗi khi nhớ về nơi mình đã "trôn nhau, cắt rốn" cũng là nhớ cái rét cắt xa cắt thịt. Người đồng bằng lội chân xuống cấy vụ chiêm Xuân, cái lạnh như chạy dọc vào xương tủy, lạnh đến thấu xương. Nhưng có lẽ, phải lên những vùng núi cao nơi mây mù quanh năm bao phủ mới thấu hơn cái lạnh nơi này.

Ngày đông giá, sương mù che kín lối, sương chui vào nhà, sương che cả bát cơm, sương lẫn với mái tóc mế bạc phơ. Trong màn sương lạnh nhưng huyền ảo đó là biết bao điều kì thú.

img
Nắng đã lên nơi "bản sương giăng".
Chúng tôi lên Tây Bắc vào một ngày nắng. Nhưng lúc đứng ngọ nắng càng gắt có nghĩa là khuya, sớm sương càng dày càng xốp. Nhìn lại cung đường đèo vừa mới qua đắm chìm trong sương mới thấy con đường ven những thung sâu này cũng khá mạo hiểm. Giờ sương đã che khuất những bản làng, những thửa ruộng dưới thung lũng nhưng đến lưng đèo Thung Khe, dốc Trắng, dốc chiềng Đông… đã thấy những ngôi nhà sàn ngủ trong sương êm đềm và yên ả. Đến tầm 7-8h sáng nắng bất ngờ hửng lên như  một dàn đèn  tự nhiên bất ngờ chiếu sáng.

Nhưng đâu phải sương đã tan, chỉ lát sau sương lại lập đi những tia sáng yếu ớt của mặt trời. Sau nhiều lần như thế cuối cùng ánh nắng đục hơi sương cũng đã chiếu xuống những bản làng của đất Co Lương, Vân Hồ. Giờ cũng là lúc chúng tôi đứng trên đèo nhìn những khối sương bay như mây ngay trước tầm mắt. Mây quần tụ rồi li tán, kết lại rồi tan, sương giăng mắc trên những cành đào, mận lưu luyến chưa chịu rời.

Sương tan trên mảnh đất này tựa như chiếc màn sân khấu được kéo ra để hiện trước mắt du khách bao nhiêu bất ngờ: Những đàn trâu lốc cốc tiếng mõ đang leo lên đỉnh đồi vừa mới tan sương, những chiếc váy  của những cô gái sương còn vương trên hoa văn như tuyết. Và ấm áp nhất là những bếp lửa bập bùng trong sương như một huyền thoại về miền núi rừng này. Những lúc như thế mới thấy những cái tên làng bản, những cột mốc cây số hay địa giới hành chính đều mờ nhòe đi bởi sương, cả miền Tây Bắc như cùng vang lên một cái tên chung như câu thơ của Chế Lan Viên: "Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ”.
imgĐường vào bản sương giăng kín lối. (Ảnh: Bùi Việt Phương)
Chiều xuôi đường Quốc lộ 6 trở về, sương lại giăng đỉnh đèo như níu chân du khách. Những lều chợ bên thung lũng đã thưa thớt bóng người. Giờ sương đã trắng như sữa, cái lạnh đã tràn xuống làng bản giục người ta trở về những bếp lửa ấm nồng và mâm cơm với cá suối nướng, muối dổi, mắc khén và cơm đồ nghi ngút khói hay nhâm nhi chén rượu ngô cùng bắp ngô nướng, khúc sắn lùi…

Phải chăng, sương của những miền núi Tây Bắc là một điều thú  vị mà ai chưa từng đặt chân tới sẽ không thể cảm nhận hết được sự kì thú của nó. Nơi những người dân bao đời vất vả, lam lũ trồng cấy, chăn nuôi trong sương lạnh. Nơi những đám cưới rước dâu vượt đèo sương, nơi những người vợ ngóng chồng bên cửa voóng đẫm sương nhưng Tây Bắc luôn đẹp và lôi cuốn bởi màn sương ấy.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem