Cầm vàng lại để vàng rơi: 50% chỉ dẫn địa lý nông sản bị bỏ rơi

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 29/05/2018 13:22 PM (GMT+7)
Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được coi là một công cụ mạnh để người tiêu dùng biết đến sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhưng nó sẽ không phải là “cây đũa thần” nếu nhà quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng không phối hợp gìn giữ, bảo vệ và nâng cao sức mạnh của công cụ ấy.
Bình luận 0

Bất lực nhìn tên bị mượn

Từ cách đây vài năm, người trồng tỏi trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã vô cùng bức xúc khi có một số cá nhân hám lợi, nhập tỏi từ nơi khác về, mạo danh là tỏi Lý Sơn và bán với mức giá thấp hơn nhiều so với tỏi chính hiệu của hòn đảo này.

img

Chưa có chỉ dẫn địa lý, tỏi Lý Sơn dễ bị lợi dụng tên. Ảnh: T.L

Vùng cam Cao Phong (Hòa Bình), trước đây giá bán bình quân chỉ đạt 10.000 đồng/kg. Sau khi có chỉ dẫn địa lý, cộng với làm tốt công tác tiếp thị, giá cam đã tăng gấp đôi, gấp ba, thu nhập đạt đến 700 triệu đồng/ha/năm. Mật ong bạc hà Mèo Vạc giờ đã trở thành một đặc sản nổi tiếng của Hà Giang, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nhờ giá bán tăng tới 80% so với trước đây.

Việc nhập nhèm thương hiệu của tỏi Lý Sơn và sản phẩm nơi khác đã khiến Hiệp hội Kinh doanh và Chế biến hành tỏi Lý Sơn đau đầu mấy năm nay mà không có cách nào giải quyết ngoài việc khuyến cáo người dân nên mua ở những địa chỉ uy tín. Còn chính quyền huyện thì chỉ còn biết hỗ trợ các tàu thuyền chở hàng hóa từ đất liền ra Lý Sơn mỗi năm 6 triệu đồng, yêu cầu không được chở tỏi từ nơi khác ra đảo, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Nhưng đó là câu chuyện của năm 2016. Cho đến thời điểm này, việc nhập nhèm thương hiệu tỏi vẫn là chuyện “thời sự” ở Lý Sơn vì tình trạng mang tỏi từ nơi khác về “núp bóng” tỏi Lý Sơn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Liên tục từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng huyện đảo Lý Sơn đã phát hiện hàng chục trường hợp đưa tỏi từ các nơi khác ra Lý Sơn để bán kiếm lời.  Dù phát hiện được nhưng địa phương rất khó xử lý vì tỏi được vận chuyển ra đảo không hề gắn nhãn mác tỏi Lý Sơn, nên ở góc độ pháp lý, đây chỉ là thông thương hàng hóa bình thường.

Cho đến nay, tỏi Lý Sơn vẫn chưa được “đặt tên” trên bản đồ CDĐL Việt Nam, khiến người tiêu dùng có thể gặp khó khăn khi muốn mua sản phẩm này và rất dễ bỏ tiền triệu mua nhầm tỏi giả từ nơi khác mang đến với giá chỉ vài chục nghìn đồng. Đây chính là lý do khiến UBND huyện Lý Sơn đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để tỏi Lý Sơn sớm có CDĐL, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. 

Có CDĐL, giá bán tăng gấp đôi, gấp ba

img

Những lợi ích mà CDĐL mang lại cho nông sản là vô cùng lớn. Hầu hết các hiệp hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm có bảo hộ CDĐL đều khẳng định, giá bán sản phẩm đều tăng đáng kể khi được “đặt tên”. Đơn cử như vùng cam Cao Phong (Hòa Bình), trước đây khi chưa có CDĐL, người dân phải trầy trật đưa sản phẩm ra thị trường, giá bán bình quân chỉ đạt 10.000 đồng/kg. Sau khi có CDĐL cộng với làm tốt công tác tiếp thị, giá cam đã tăng gấp đôi, gấp ba, thu nhập đạt đến 700 triệu đồng/ha/năm. Mật ong bạc hà Mèo Vạc giờ đã trở thành một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Giang, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nhờ giá bán tăng tới 80% so với trước đây.

Vai trò của CDĐL đối với nông sản đã được khẳng định, nhưng con số mà TS.Delphine Marie Vivien - một chuyên gia về CDĐL của Pháp đưa ra tại một cuộc hội thảo mới đây hẳn khiến nhiều người giật mình: Có đến 50% CDĐL của nông sản Việt Nam không có người quản lý, khai thác. Đơn cử như sản phẩm trà Mộc Châu (Sơn La), đến nay đối tượng được hưởng lợi chủ yếu là các doanh nghiệp chứ không phải nông dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm.

 Ông Bùi Kim Đồng - chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp cho rằng, so với thị trường CDĐL thế giới với trên 10.000 sản phẩm, các sản phẩm có CDĐL ở Việt Nam còn rất khiêm tốn dù chúng ta có hàng nghìn đặc sản có thể xây dựng CDĐL.

Nhưng theo ông Đồng, điều quan trọng hơn cả việc “tăng tốc” xây dựng CDĐL cho các sản phẩm nông sản là cần khắc phục ngay một số điểm yếu như kiểm soát chất lượng sản phẩm, thương mại hóa các sản phẩm đã có CDĐL, ngăn chặn tình trạng hàng giả hàng nhái để giữ uy tín thương hiệu. Trong mọi trường hợp CDĐL sẽ không phải là “cây đũa thần” đảm bảo cho sự tồn tại của sản phẩm nếu nó không được gìn giữ, bảo vệ và xây dựng bởi chính quyền, ngành chức năng và cộng đồng trong việc sản xuất có trách nhiệm.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng đề nghị phải xây dựng một cơ sở dữ liệu toàn diện về CDĐL với năng lực sản xuất, sản lượng tiêu thụ, giá cả, giá thành, môi trường kết nối Internet có thể giải tỏa được câu chuyện giải cứu nông sản, khi được mùa rớt giá. “Tôi nghĩ đó là việc không chỉ thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà còn đòi hỏi trách nhiệm của các bộ, ngành khác”- đại biểu Lê Thanh Vân khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem