Nhiều người cho rằng cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ làm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả công việc mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh của cơ quan công quyền. Ông nhận định gì về thực tế này?
|
Chuyên gia Trịnh Hòa Bình |
- Cán bộ uống rượu bia không chỉ làm giảm hiệu quả công việc, mà còn ảnh hưởng đến tính chất nghiêm túc, kỷ cương của cơ quan Nhà nước, đặc biệt là đơn vị cung cấp dịch vụ công trước nhân dân. Riêng đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp thì cán bộ uống rượu bia có thể là tín hiệu báo sự đơn điệu trong công việc...
Nói như ông thì có thể do tính chất công việc ở các cơ quan hành chính Nhà nước quá nhàm chán nên mới nảy sinh tâm lý rượu bia giải sầu?
- Đây chỉ là một trong số rất nhiều nguyên nhân, nhưng đây cũng không phải là một nguyên nhân quan trọng. Bởi vì công việc của cơ quan công quyền có những công việc thú vị thì sẽ có những công việc tẻ nhạt. Dù thú vị hay tẻ nhạt, nhưng đã là công việc thì cần mọi người phải làm việc nhập tâm, tuân thủ ý thức kỷ cương, giác ngộ lao động.
Vậy theo ông, cần có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng rượu bia nơi công sở?
- Muốn đưa ra giải pháp trước hết cần hiểu rõ căn nguyên. Công việc kém thú vị, lương thấp, ý thức kỷ cương kém... là một trong những yếu tố khiến cho công chức sa đà vào rượu bia, nhậu nhẹt. Sở dĩ lương công chức thấp vì biên chế dư thừa, các chế độ kích thích kém, thưởng phạt không phân minh. Vì thế, bên cạnh việc giáo dục, tuyên truyền, siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương, nêu gương người đứng đầu... chúng ta cũng cần phải tinh giản biên chế.
Rất nhiều số liệu, báo cáo quốc gia cho thấy mặc dù hô hào tinh giản biên chế, nhưng thực tế chúng ta không những không tinh giản được mà con số biên chế vẫn tăng lên khoảng 20%. Nhiều khi chính đối tượng công chức cần tinh giản thì không giảm được, bởi họ là con ông cháu cha. Đây cũng chính là những đối tượng “có vấn đề” nhất, vì họ nghĩ họ đã có ô dù to nên thích thì làm, không thích thì thôi.
Xin cảm ơn ông
Minh Nguyệt (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.