Đồng tình với việc Ban soạn thảo dự luật đã cố gắng cải cách thủ tục hành chính theo hướng bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, minh bạch hóa các lĩnh vực cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện…, nhưng các ĐB Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc khắc phục các rào cản liên quan đến hoạt động đầu tư trong tương lai. ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho biết: “Đầu tư cũng là để kinh doanh, do đó nhà đầu tư khi kinh doanh cũng phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và không nên bắt buộc nhà đầu tư sau khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh phải thực hiện thủ tục đầu tư”.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình)
Cũng theo ĐB Lộc, với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, khi doanh nghiệp đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh với ngành nghề có điều kiện thì không cần thiết phải đăng ký đầu tư một lần nữa do đây cũng chính là lĩnh vực đầu tư có điều kiện. “Không nên tạo ra thủ tục kép để quản lý cùng một việc, gây tốn kém về chi phí để quản lý trong khi quyền tự do kinh doanh lại bị xâm phạm” - ĐB Lộc đề nghị.
Nhiều ĐB cũng cho rằng, trọng tâm của luật là phải đưa ra chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trong đó cần tách biệt giữa hỗ trợ và ưu đãi. Với yêu cầu quản lý đầu tư, các ĐB nhấn mạnh luật phải làm rõ, phải quy định, phải quản lý được 2 dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu quan điểm: “Chúng ta quản lý theo dòng vốn chứ không phải quản lý ông chủ đồng vốn. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam về bản chất đó là nợ quốc gia, vì lợi tức phải chia sẻ là lớn hơn đồng tiền đi vào. Thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI nhưng tiền không phải từ nước ngoài vào. Với đầu tư từ trong nước ra nước ngoài cũng quản theo dòng vốn chứ không phải quản ông chủ”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.