Cần cải thiện thu nhập thực tế của người dân

Thứ năm, ngày 24/02/2011 12:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm qua (23.2), Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Kiên đã trao đổi với báo chí xung quanh thực trạng và các giải pháp chống lạm phát.
Bình luận 0

Ông đánh giá thế nào về tác động của chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát tăng cao hiện nay?

- Chỉ số giá cả và lạm phát tăng gần gấp đôi chỉ số tăng trưởng kinh tế là một thách thức trong việc triển khai nhiệm vụ của Chính phủ. Trong đó, sản xuất kinh doanh sẽ gặp khó khăn; mà sản xuất kinh doanh khó khăn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, việc làm, thu nhập của người lao động.

 img
Giá cả tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng.

Thứ hai, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của tuyệt đại người dân lao động; do đó, cũng tiềm ẩn nguy cơ về lòng tin, về an ninh trật tự. Mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm được như năm 2010 là dựa trên cơ sở chỉ số giá và lạm phát ở mức dưới 8%. Bây giờ chỉ số giá và lạm phát ở mức 12% thì đương nhiên những hộ cận nghèo sẽ "nhảy" vào số hộ nghèo.

Là người phụ trách các vấn đề kinh tế của QH 10 năm nay, ông có thấy bây giờ là thời kỳ khó khăn nhất không?

- Tôi cho rằng chỉ nên so sánh trong thời kỳ khủng hoảng vừa qua; trước 2007, kinh tế phát triển tích cực, từng bước đi lên. Nếu không có biện pháp chỉ đạo thường xuyên từ tháng 1 đến tháng 12 thì khả năng thực hiện các mục tiêu năm 2011 là rất khó khăn. 9 tháng đầu năm 2010 tình hình thuận lợi nhưng sang quý IV thì chúng ta nới lỏng quản lý và đặt quá nhiều niềm tin vào xu hướng 9 tháng đầu năm nên đã chỉ đạo không kiên quyết.

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, năm 2011 còn khó khăn, thách thức hơn cả năm 2008. Đánh giá của ông thế nào?

img Theo tôi, tất cả những điều chỉnh làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống là của người dân những nhân tố không tốt. img

- Tôi nói rằng khó khăn không kém, có nghĩa là ít nhất là bằng hoặc khó khăn hơn. Trong khi thu nhập không tăng tương ứng với lạm phát thì chất lượng sống và tính bền vững của kinh tế xã hội diễn ra không tích cực. Cho nên, chúng ta cần tập trung vào tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh và chú ý đến đời sống thực tế của tuyệt đại bộ phận nhân dân, đảm bảo thu nhập thực tế chứ không phải thu nhập danh nghĩa.

Theo ông, nguyên nhân của việc lạm phát tăng cao như hiện nay là do đâu?

- Chính phủ cũng đã đánh giá rồi. Nguyên nhân là do khách quan; ngoài ra còn những yếu kém trong nội tại. Yếu kém nội tại là yếu kém trực tiếp liền kề, có những cái nó dồn tích từ nhiều năm trước.

Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, các chỉ tiêu phát triển mà QH đặt ra cho Chính phủ liệu có đạt được?

- Bây giờ mới là tháng thứ hai của năm 2011, Chính phủ đang đưa ra các biện pháp và biện pháp nào cũng phải có thời gian để kiểm chứng. Phải đến hết 6 tháng đầu năm mới có thể đánh giá được.

Nếu không đạt, các chỉ tiêu có được điều chỉnh?

- Chỉ tiêu cũng chỉ là một mặt trong công tác quản lý; mục tiêu chính trong quản lý là đưa đất nước phát triển ổn định, đời sống cải thiện, từ đó mà đặt ra các biện pháp tối đa, quyết liệt. Điều chỉnh chỉ tiêu cũng không có ý nghĩa bao nhiêu nếu không có biện pháp để thực hiện chỉ tiêu.

Theo ông, đến khi nào giải quyết được tình hình lạm phát tăng cao như hiện nay?

- Đây là vấn đề gắn liền với trung hạn và dài hạn, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nhưng việc giải quyết khó khăn trước rất quan trọng để làm tiền đề giải quyết trong trung hạn.

Xin cảm ơn Phó Chủ tịch QH!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem