Một người đàn ông dùng điện thoại di động nhắn tin trong một đường hầm đi bộ ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Yao có cuộc sống hôn nhân yên ấm hơn 10 năm. Nhưng tháng một năm ngoái, ngay trước Tết Nguyên đán, cô nhận được một cuộc gọi từ số lạ.
"Đó là một phụ nữ trẻ. Cô ta nói chồng tôi sẽ không đi nghỉ cùng tôi và các con như đã định bởi vì anh ấy sẽ qua ở với cô ta", Yao nói với Marketplace. Sau khi gác máy, Yao nói với chồng rằng mình chạy ra ngoài gặp một người bạn tên Ming Li. Và người bạn này đã khuyên cô không nên cật vấn chồng và cả gia đình cứ đi du lịch như đã định.
Trong lúc rối trí, Yao chỉ biết làm theo lời khuyên của bạn. 10 ngày sau đó, một người phụ nữ trẻ xuất hiện trước cửa nhà. Đó chính là người tình trẻ của chồng cô. "Lúc đó tôi chạy vội vào phòng tắm và gọi cho Ming Li và hỏi 'Tôi nên làm gì bây giờ? Kẻ thù đang đứng trước cổng'".
Sau cuộc điện thoại, Ming qua thẳng nhà Yao để đóng vai trò trung gian hòa giải mối quan hệ tay ba này. "Yao giới thiệu tôi là một người bạn, một bà chị đáng tin cậy và tình cờ là người có kiến thức về tâm lý. Cô tình nhân cũng chịu ngồi lắng nghe tôi nói", Ming Li nhớ lại.
Điều mà ông chồng và cô nhân tình không biết là thực chất người vợ đã bỏ tiền thuê Ming Li cứu vãn hôn nhân. Ming Li còn được biết đến với biệt danh "người thương thuyết với các cô nhân tình". Công việc của Ming Li bao gồm bí mật thu thập tin tức về cuộc sống của "kẻ thứ ba" và dùng kỹ năng để thuyết phục họ chấm dứt quan hệ với những người đàn ông có gia đình.
Trong trường hợp của Yao, dù người chồng đồng ý kết thúc chuyện ngoại tình, cô nhân tình nhất quyết không buông tha và liên tục gọi điện quấy rối người vợ. Và chính lúc đó, vai trò của Ming Li phát huy tác dụng.
"Tôi đã mai mối cho cô nhân tình một anh bạn trai mới", Ming Li cười lớn và tiết lộ "tuyệt chiêu". Ming Li thậm chí còn giới thiệu cho "tình địch" của khách hàng một việc làm ở thành phố khác.
Giá của dịch vụ đặc biệt này không rẻ. Mỗi giờ tư vấn của Ming Li tốn 2.000 tệ (315 USD). Không có thống kê chính thức về số lượng những người làm nghề giống Li. Nhưng công ty riêng của cô, bắt đầu hoạt động từ năm 2010, đang thuê đến gần 300 "tư vấn viên".
"Tôi là người bảo vệ đời sống hôn nhân", Ming tự hào nói.
Loại hình kinh doanh mới này xuất hiện trong bối cảnh tỉ lệ ly hôn ở Trung Quốc liên tục tăng trong 10 năm qua. Năm ngoái 3,4 triệu cặp vợ chồng đã đâm đơn ly dị, tăng 8% so với năm trước đó, theo số liệu thống kê chính thức. Trong khi đó, vào năm 1995, chỉ có khoảng một triệu cặp ly dị và năm 1979 con số này dừng ở 319.000. Theo các cơ quan chức năng, có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng phổ biến ở Trung Quốc là sự hòa hợp giữa hai vợ chồng, nạn bạo hành trong gia đình và ngoại tình.
"Khi phát hiện ra chồng ngoại tình, tôi cảm thấy trời đất như sụp đổ", Yao cho biết nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của Li, cô đã phải một thân một mình vượt qua sóng gió này vì không dám tiết lộ với người thân hoặc bạn bè về chuyện ngoại tình của chồng. "Người Trung Quốc rất bảo thủ. Chúng tôi có câu thành ngữ đại ý là chuyện gia đình không nên để người ngoài biết", Yao tâm sự kể cả "người ngoài" là các bác sĩ trị liệu tâm lý.
"Chồng tôi sẽ không bao giờ chịu đi gặp bác sĩ tâm lý bởi vì như vậy là thừa nhận anh ấy sai, hơn nữa, anh ấy sẽ không thú nhận trước mặt người lạ. Anh ấy là kiểu người trọng nam khinh nữ nên rất quan trọng chuyện thể diện", Yao giải thích.
Với khoản tiền 31.500 USD, Yao có thể thuê Ming Li cứu vãn hôn nhân giúp mình, bao gồm cả việc khuyên nhủ người chồng với tư cách một người bạn đáng tin cậy.
Một đám cưới tập thể diễn ra ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 20.5. Ảnh: Guardian.
Bất chấp một số ý kiến phản đối, những "nhà thương thuyết" như Ming Li cho rằng công việc của họ hoàn toàn hợp pháp và muốn các cơ quan chức năng công nhận và xây dựng hành lang pháp lý để ngành dịch vụ này phát triển hơn nữa.
Dai Pengjun "khởi nghiệp" là một thám tử tư nhưng sau đó cung cấp cả dịch vụ "thương thuyết". Công việc chủ yếu của Dai là xác thực thông tin theo yêu cầu của các bà vợ đang nghi ngờ chồng mình ngoại tình. Sau khi theo dõi và điều tra, Dai sẽ báo kết quả cho khách hàng. Một số phụ nữ khi biết tin chồng ngoại tình sẽ chọn phương án ly dị nhưng khoảng 1/3 số khách hàng của Dai vẫn muốn cứu vãn hôn nhân. Và theo thám tử tư này, cách tốt nhất trong các trường hợp này là loại bỏ "kẻ thứ ba".
"Một lần chúng tôi biết căn hộ của cô nhân tình có ban-công, thế là vứt thứ gì đó vào ban-công của cô này và giả vờ là hàng xóm sang xin lại đồ. Nhờ đó, chúng tôi có thể tiếp cận và chuyện trò với cô ta dễ dàng", Dai kể. Lần khác, Dai thuê một thanh niên trẻ trung và đẹp trai để quyến rũ cô nhân tình rồi gửi ảnh thân mật của đôi trai gái cho người chồng. Trong các trường hợp "khó nhằn", Dai dùng tiền để thuyết phục cô nhân tình "buông tha".
"Chúng tôi sẽ khuyên khách hàng đến đối thoại thẳng thắn với người phụ nữ thứ ba và mang theo một bao tiền", Dai nói. Thám tử tư này có thể kiếm đến 150.000 USD trong hai tháng.
Vợ của những người đàn ông giàu có và thành đạt ở Trung Quốc sẵn lòng thuê dịch vụ này dù đắt đỏ đến đâu bởi vì nếu ly dị, họ sẽ gặp bất lợi khi chia tài sản và tranh giành quyền nuôi con. Ngoài ra, ly hôn vẫn là điều cấm kỵ trong xã hội. "Cha mẹ ly hôn có thể ảnh hưởng đến tương lai con cái. Những đứa con lớn lên sẽ 'mất giá' khi chọn đối tượng kết hôn", Dai giải thích.
Tuy nhiên, không phải lần nào thương thuyết cũng thành công. Theo Dai, chỉ khoảng 50% số vụ có kết cục là hai vợ chồng trở về bên nhau và cô nhân tình bỏ cuộc. Dai ví von "người thứ ba" như "căn bệnh ung thư của hôn nhân".
"Chúng tôi chỉ là những bác sĩ giải phẫu phần mềm. Có thể cứu vãn hôn nhân hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người trong cuộc", Dai nói.
An Hồng (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.