Cận cảnh học phí khối trường kinh tế thời "bữa sáng tăng 30%"

Thứ bảy, ngày 29/04/2023 11:49 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia, thời bão giá, đến bữa sáng cũng tăng 30%, vậy học phí một số trường đại học đứng đầu khối ngành kinh tế tăng cũng là đương nhiên?
Bình luận 0

Trong đề án tuyển sinh đại học năm nay, Học viện Tài chính đưa ra mức học phí dự kiến năm học tới với chương trình chuẩn là 22-24 triệu đồng, tăng 10-20% so với hiện tại. Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48-50 triệu.

Thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Ngoại thương (ĐH), học phí dự kiến với sinh viên chính quy thực hiện theo quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ban hành theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 08 năm 2021 của Chính phủ.

Cụ thể, học phí dự kiến năm học 2023-2024 đối với chương trình đại trà: 22 triệu đồng/sinh viên/năm; học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 45 triệu đồng/năm; học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm.

Cận cảnh học phí khối trường kinh tế thời "bữa sáng tăng 30%" - Ảnh 1.

Một số trường đại học dự kiến điều chỉnh học phí hàng năm từ 10-12,5% (Ảnh: T.L).

Học phí của các chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế: Chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế; chương trình kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản; chương trình kế toán - kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA; chương trình chất lượng cao luật kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp, dự kiến khoảng 45 triệu đồng/năm.

Học phí của chương trình quản trị khách sạn, marketing số, kinh doanh số, truyền thông Marketing tích hợp dự kiến là 60 triệu đồng/năm.

Theo nhà trường, mức học phí dự kiến trên đây với sinh viên chính quy thực hiện theo quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ban hành theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 08 năm 2021 của Chính phủ.

Dự kiến học phí của các chương trình được điều chỉnh hàng năm không quá 10%/năm.

Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Thương mại cũng vừa đưa ra mức học phí năm học 2023 - 2024 đối với sinh viên chính quy tuyển sinh năm 2023.

Theo đó, học phí chương trình đào tạo chuẩn: Từ 2,3- 2,5 triệu đồng/tháng theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo.

Học phí các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tích hợp: Từ 3.525.000 đồng đến 400 nghìn đồng/tháng, theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo. Học phí các chương trình định hướng nghề nghiệp: 2,5 triệu đồng/tháng.

Mức thu học phí hàng năm tăng tối đa 12,5% so với năm trước liền kề (Theo Nghị định 81/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ).

Cận cảnh học phí khối trường kinh tế thời "bữa sáng tăng 30%" - Ảnh 2.

Học sinh tìm hiểu học phí và cách thức tuyển sinh từ trường đại học (Ảnh: M.H).

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng dự kiến tăng học phí chương trình đại trà không quá 10%/năm. Năm học 2022- 2023, học phí chương trình đại trà của trường dao động từ 500.000-1.900.000 đồng/tín chỉ, tức khoảng 16 triệu-24 triệu đồng/năm học tùy theo từng ngành.

Học phí chương trình chất lượng cao cao hơn khoảng 2 lần so với chương trình đại trà và dao động từ 40-60 triệu đồng/năm; học phí chương trình tiên tiến dao động từ 40-80 triệu đồng/năm tùy từng ngành. Mức học phí này có thể thay đổi mỗi năm nhưng không vượt quá 10% so với năm trước.

Thông tin từ đề án tuyển sinh của Học viện Ngân hàng đăng tải ngày 28/3, học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà được Học viện Ngân hàng áp dụng theo Nghị định Số 81/2001/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ về việc quy định cơ cấu thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Đối với chương trình đào tạo chất lượng cao: Học phí 32,5 triệu đồng/năm cho khóa học 4 năm tại Học viện Ngân hàng.

Đối với các chương trình cử nhân quốc tế:

Chương trình cử nhân quốc tế liên kết với Đại học CityU (Hoa Kỳ): Học phí cho khóa học 4 năm tại Việt Nam là 345 triệu đồng; trong trường hợp sinh viên học năm thứ tư tại Hoa Kỳ thì mức học phí sẽ căn cứ theo học phí của trường đối tác. Với những thí sinh đạt trình độ tiếng Anh tương đương IELTS từ 6.0 sẽ vào thẳng năm thứ 2 và học phí được giảm là  40 triệu đồng.

Cận cảnh học phí khối trường kinh tế thời "bữa sáng tăng 30%" - Ảnh 3.

Phụ huynh và học sinh tìm hiểu phương án tuyển sinh của một số trường đại học tại "ngày hội tư vấn tuyển sinh 2023" tại Hà Nội (Ảnh: M.H).

Chương trình cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Sunderland (Anh quốc): Học phí khoảng 320 triệu đồng bao gồm 3 năm đầu khoảng 180 triệu đồng và năm cuối khoảng 140 triệu đồng.

Sinh viên có thể lựa chọn học tập năm cuối tại trường ĐH Sunderland, học phí năm cuối sẽ được quy định và công bố bởi trường ĐH Sunderland. Với những thí sinh đạt trình độ tiếng Anh tương đương IELTS từ 6.0 sẽ vào thẳng năm thứ 2 và học phí được giảm là khoảng 60 triệu đồng.

Chương trình cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Coventry (Anh quốc): Học phí khoảng 320 triệu đồng bao gồm 3 năm đầu khoảng 180 triệu đồng và năm cuối khoảng 140 triệu đồng. Sinh viên có thể lựa chọn học tập năm cuối tại trường ĐH Coventry, học phí năm cuối sẽ được quy định và công bố bởi trường ĐH Coventry. Với những thí sinh đạt trình độ tiếng Anh tương đương IELTS từ 6.5 sẽ vào thẳng năm thứ 2 và học phí được giảm là khoảng 60 triệu đồng.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mức học phí dự kiến của các trường đại học đều phải được công khai trong đề án tuyển sinh đăng trên website trường ít nhất 30 ngày trước khi nhận hồ sơ xét tuyển.

Học phí cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành, chọn trường của thí sinh, nhất là những em có điều kiện kinh tế bình thường hoặc khó khăn.

Theo một số chuyên gia tuyển sinh, trong thời bão giá, đến bữa sáng cũng tăng khoảng 30% thì việc một số trường đại học dự tính tăng học phí trong các năm học tới cũng là lẽ đương nhiên.

Đặc biệt với các trường đã là đơn vị tự chủ chi thường xuyên, việc tăng học phí đại học trong các năm học tới là xu thế tất yếu theo lộ trình tự chủ để đảm bảo duy trì, phát triển đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng của nhà trường.

Chia sẻ với PV Dân trí, PGS. TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nói rằng, học phí là vấn đề khá "nhạy cảm" hiện nay.

PGS Tuấn cũng cho biết, thực hiện theo quy định, Trường ĐH Ngoại thương chưa có kế hoạch tăng học phí trong năm học này.

Sở dĩ nói "nhạy cảm" bởi theo GS.TS Đinh Văn Sơn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, học phí ảnh hưởng tới hàng triệu gia đình, vậy nên các trường phải tính toán phù hợp.

Mỹ Hà (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem