Tập đoàn Siemens quan tâm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam

An Linh Thứ ba, ngày 27/02/2024 09:15 AM (GMT+7)
Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Đức) ông Roland Busch quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đồng thời cho biết có thể cung cấp giải pháp về thiết bị, chuyển giao công nghệ sản xuất toa xe cho Việt Nam.
Bình luận 0

Tại buổi tiếp và làm việc với đại diện Tập đoàn Siemens tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập đoàn Siemens nghiên cứu tham gia một số gói thầu xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam như tuyến metro 2 tại TP HCM; chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt như đào hầm metro.

Tập đoàn Siemens quan tâm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam- Ảnh 1.

Thủ tướng tiếp Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam (Ảnh: Chinhphu.vn).

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị tập đoàn Siemens đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hợp tác chuyển đổi xanh, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, sản xuất tuốc bin điện gió.

Riêng với lĩnh vực giao thông, trong điều kiện Việt Nam đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đường cao tốc, đường sắt, Thủ tướng đề nghị Siemens đẩy mạnh hợp tác cùng Việt Nam sản xuất xe điện, chuyển đổi số, hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia…; mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, ổn định, minh bạch.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Đức trong đó có Siemens đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định và hiệu quả tại Việt Nam.

Ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Siemens đánh giá cao tiềm năng hợp tác lớn giữa hai nước, ông cho biết Việt Nam đã có quá trình chuyển đổi rất thành công, có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là với dân số 100 triệu người và đội ngũ lao động trẻ được đào tạo.

Đại diện Siemens cho biết đang tích cực hợp tác và mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực và nội dung mà Thủ tướng đã đề cập như công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, tốc độ cao…, bao gồm hợp tác đào tạo nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra toàn cầu.

Đáng chú ý, Chủ tịch của Siemens cho biết tập đoàn rất quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và có thể cung cấp các giải pháp về đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu đường sắt, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất toa xe.

Tập đoàn Siemens quan tâm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam- Ảnh 2.

Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để tiến hành xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam (Ảnh: An Linh).

Tại Việt Nam, Siemens thành lập văn phòng đại diện từ năm 1993, với 3 chi nhánh Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một nhà máy sản xuất tại Bình Dương.

Siemens hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng tái tạo và giao thông vận tải. Siemens đã tham gia dự án điện mặt trời ước tính đóng góp 1 tỷ kWh điện vào hệ thống điện của quốc gia mỗi năm; là nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp truyền tải điện hiệu quả, đã cung cấp thiết bị và giải pháp bảo vệ và tự động hóa cho hàng trăm trạm biến áp 110 kV-220 kV và hàng chục trạm 550 kV tại Việt Nam; thúc đẩy tự động hóa và số hóa tại Việt Nam như giúp Tân Cảng Sài Gòn tối đa năng suất, giảm thời gian giải phóng tàu....

Về hợp tác giao thông vận tải, Siemens đã có các dự án hợp tác với Việt Nam như dự án nâng cấp hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt Ga Vinh, Dự án thiết kế và cung cấp 16 đầu máy xe lửa động cơ diesel cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; dự án hệ thống chiếu sáng đường Sân bay Nội Bài; dự án cung cấp hệ thống xử lý hàng hóa tự động Sân bay Tân Sơn Nhất, dự án Tuyến đường sắt đô thị (Metro) Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương và Siemens đã ký MOU về phát triển hạ tầng trong các lĩnh vực điện khí, năng lượng tái tạo.

Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận số 72-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trên cơ sở đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành trung ương, với những kết quả đạt được bước đầu và những tồn tại, hạn chế còn hiện diện, Bộ Chính trị yêu cầu thời gian tới tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là bảo đảm cung cấp đủ, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh năng lượng; hạ tầng thuỷ lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, nhất là các đô thị lớn; tạo sự đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số.

Bộ Chính trị yêu cầu ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các trục cao tốc Đông - Tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch; các sân bay quốc tế; hạ tầng các cảng biển lớn, các tuyến đường thuỷ nội địa có nhu cầu vận tải lớn; Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh) - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...

Tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác. Phát triển đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện, cơ cấu hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống, giá thành hợp lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem